Tri thức trẻ vì giáo dục: Để môn hóa học không còn xa lạ với các em học sinh
(CTG) Với mong muốn tạo hứng thú cho học sinh trong học tập môn Hóa, khơi gợi sự tò mò với khoa học của các em, cô giáo Trịnh Thanh Huyền, giáo viên môn Hóa học tại Trường THPT số 2 Bảo Thắng, Lào Cai đã nghiên cứu, thực hiện công trình “Sử dụng các thí nghiệm độc đáo để tạo động lực học tập tích cực cho học sinh.
Thí nghiệm “Bàn tay ma thuật”, một thí nghiệm mà cô Huyền cùng các học trò thực hiện.
Môn Hóa học ở trường phổ thông nếu không có những bài giảng và phương pháp hợp lí phù hợp với thế hệ học trò dễ làm cho học sinh thụ động trong việc tiếp thu, cảm nhận. Nó đòi hỏi người giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy học đã và đang thực sự là yếu tố quyết định hiệu quả giờ dạy. Một trong những yếu tố để đạt được hiệu quả và tiến bộ là phát huy tính thực tế của các thí nghiệm để thu hút sự hứng thú của học sinh.Hóa học không xa lạ như em tưởng?
Trong dạy học Hóa học hiện nay, thí nghiệm đã được tiến hành nhiều hơn nhằm đảm bảo tính cơ bản, thực tiễn của chương trình học. Tuy nhiên, có một thực tế là các thí nghiệm đôi khi còn được tiến hành một cách hình thức, chưa được chú trọng khai thác tối đa. Hơn nữa, việc tiến hành thì nghiệm khá công phu, yêu cầu chặt chẽ từ khâu chuẩn bị, cho đến khâu thực hiện và dọn dẹp. Bên cạnh đó, có những thí nghiệm yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, số lượng hóa chất, kĩ năng thao tác… Vì thế, việc thực hiện thí nghiệm trong dạy học Hóa học còn hạn chế, ít gây tò mò, hứng thú với học sinh.
Nhận thức được những khó khăn trên khi tiến hành thí nghiệm trong dạy và học môn Hóa học, cô Trịnh Thanh Huyền, giáo viên môn Hóa học tại Trường THPT số 2 Bảo Thắng, Lào Cai đã nghiên cứu, thực hiện công trình “Sử dụng các thí nghiệm độc đáo để tạo động lực học tập tích cực cho học sinh”. Điều quan trọng là các thí nghiệm mà cô Huyền thực hiện không chỉ đảm bảo được nội dung môn học mà còn giúp học sinh thấy rằng môn Hóa học không phải là các chất, các phản ứng trong các ống nghiệm xa lạ mà nó vô cùng gần gũi với các em.
Cô Trịnh Thanh Huyền chia sẻ: “Tôi đã tham khảo một số thí nghiệm ở nước ngoài. Nhưng thay vì sử dụng các hóa chất khó kiếm, tôi đã dùng các hóa chất có tính chất tương đương nhưng sẵn có hoặc dễ tìm hơn”. Đây là một ưu điểm nổi trội trong công trình nghiên cứu này.
“Ví dụ, thí nghiệm “Bàn tay ma thuật” có thể được thực hiện trong bài “Mở đầu về hóa học hữu cơ” (Hóa học 11). Trong thí nghiệm này, cần chuẩn bị: 1 xô nước xà phòng; 1 bình xịt côn trùng; bật lửa, que đóm. Đây là những thứ rất gần gũi với học sinh. Hay thí nghiệm “Pháo sáng nguy hiểm như thế nào?” (thí nghiệm sử dụng trong bài Oxi-Ozon, Hóa học 10), giáo viên và học sinh chỉ cần chuẩn bị: 1 chai nước trong suốt; 5 que pháo sáng, băng dính, bật lửa…”, cô Huyền cho biết.
Thí nghiệm “ Pháo sáng nguy hiểm như thế nào?”.
Làm thí nghiệm quanh em
Theo cô Huyền, an toàn là nguyên tắc hàng đầu khi thực hiện thí nghiệm Hóa học. Khi thực hiện, cô luôn lưu ý học sinh phải tuân thủ các nguyên tắc an toàn như đảm bảo liều lượng, quy trình cũng như kĩ năng thực hiện thí nghiệm. Bản thân cô cũng luôn ý thức về điều này nên các thí nghiệm cô xây dựng luôn đảm bảo diễn ra đủ gây ấn tượng với học sinh nhưng không nguy hiểm.
Đặc biệt, một số thí nghiệm còn có sự tham gia của phụ huynh học sinh nhằm hỗ trợ quá trình giáo dục.
Bên cạnh đó, có những vấn đề Hóa học giúp học sinh giải thích những hiện tượng trong tự nhiên, tránh việc mê tín dị đoan, thậm chí hiểu được những dụng ý khoa học hóa học trong những câu ca dao – tục ngữ mà thế hệ trước để lại và có thể ứng dụng trong thực tiễn đời sống thường ngày chỉ bằng những kiến thức rất phổ thông mà không gây nhàm chán, xa lạ; lại có tác dụng kích thích tính chủ động, sáng tạo, hứng thú trong môn học.
Thí nghiệm “ Sắc màu kì diệu”.
Công trình “Sử dụng các thí nghiệm độc đáo để tạo hứng thú học tập cho học sinh” đã được thực hiện trong các giờ Hóa học tại Trường THPT số 2 Bảo Thắng, Lào Cai, Hóa học và đã thực sự tạo được hứng thú học tập cho các em học sinh. Nếu được quan tâm, đầu tư hợp lí, công trình này sẽ hỗ trợ được rất nhiều giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học môn Hóa học nói riêng và truyền cảm hứng học tập cho họ nói chung.
Một em học sinh của trường đã chia sẻ: “Trước đây em nghĩ Hóa học thực sự xa lạ bởi các hóa chất em chưa từng nhìn thấy chỉ được cân đong đo đếm trong các ống nghiệm ở các phòng nghiên cứu. Em không nghĩ Hóa học lại gần gũi như thế cho đến khi được thực hiện các thí nghiệm này”.
Cô giáo Trịnh Thanh Huyền gửi công trình của mình đến chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” với mong muốn lan tỏa tình yêu với khoa học của mình đến các đồng nghiệp và các em học sinh, khơi gợi nơi các đồng nghiệp mong muốn được đóng góp cho giáo dục nước nhà và nhen nhóm hứng thú học tập nơi các em học sinh.
“Sử dụng các thí nghiệm độc đáo để tạo hứng thú học tập cho học sinh” của cô Trịnh Thanh Huyền là một trong những công trình tham gia chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2020 do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.
Anh Kiệt