Tạo điều kiện cho thế hệ trẻ đóng góp vào sự nghiệp giáo dục

Ngày : 04-12-2019

Bên lề buổi Họp báo chương trình “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” diễn ra vào ngày 28/4/2016 tại Hà Nội, báo Sài Gòn Giải Phóng có cuộc trao đổi với tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa – Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long về những kỳ vọng của ông đối với tri thức trẻ và tinh thần “vượt khó” của Thiên Long khi theo đuổi con đường “vì sự phát triển của giáo dục”.

Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa – Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long.

1. Ông có thể giải thích thêm về tên của chương trình Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục, tại sao không phải là một cái tên khác?

Để đặt tên cho chương trình này, chúng tôi đã phải dành nhiều thời gian để suy nghĩ và cân nhắc. Từ bao đời nay, giáo dục luôn là vấn đề trọng đại đối với một quốc gia, một dân tộc. Một đất nước muốn hùng cường, một dân tộc muốn có hào khí thì đất nước đó, dân tộc đó phải có một nền giáo dục tiến bộ và bài bản, phù hợp với thực tế cũng như bắt kịp được xu hướng của thời đại. Và để xây nên một nền giáo dục tiến bộ như vậy, chắc chắn rằng phải có nhiều khối óc và bàn tay chung sức, trong đó có tri thức trẻ, những người vốn sở hữu hai tài sản lớn nhất của nhân loại – đó là sức khỏe và trí tuệ.

Chương trình “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” được ra đời với kỳ vọng rằng, thông qua sự cổ vũ, tôn vinh của xã hội dành cho những công trình, những tác phẩm của các tri thức trẻ dành cho hoạt động giáo dục, các tri thức trẻ sẽ dành trí lực và tâm huyết của mình để đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp trồng người, đồng thời góp phần xây nên một nền giáo dục tốt đẹp như tất cả chúng ta hằng mong muốn. 

2.  Vậy tại sao chương trình lại giới hạn cho những người “trẻ”, tức là những người từ 35 tuổi trở xuống mà không mở rộng thành đối tượng tri thức nói chung?

Khi nói về tuổi trẻ, ở góc độ tích cực, chúng ta thường nghĩ đến sự sung sức, tính sáng tạo, đột phá, muốn thay đổi, chấp nhận thách thức,…và đây là những nét đặc trưng của tuổi trẻ mà lứa tuổi trung niên và lão niên khó và thậm chí ao ước có được. Chúng tôi tin rằng một tri thức trẻ ở độ tuổi 35 trở xuống sẽ hội đủ những tố chất cần thiết về sức khỏe lẫn trí tuệ để tạo ra những đóng góp có giá trị đối với nền giáo dục của chúng ta hiện nay, vốn đang khát khao những thay đổi thiết thực và mới mẻ.

Với chương trình “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục”, chúng tôi muốn trao cho tuổi trẻ một cơ hội để “thỏa chí bình sinh” và thể hiện tài năng, sự cống hiến. Tri thức không có tuổi. Tuy nhiên, chúng tôi muốn tập trung nhắm đến những tri thức trẻ. Nói chúng tôi “thiên vị” những tri thức trẻ cũng không sao. Tại sao chúng ta không đặt niềm tin và kỳ vọng vào thế hệ trẻ của đất nước Việt Nam, đặc biệt trong lúc này?

3. Được biết, trước khi đứng trong hàng ngũ lãnh đạo của Thiên Long, ông cũng từng là một thầy giáo. Những trải nghiệm của bản thân ông có phải là động lực để Thiên Long quyết định đồng hành cùng chương trình “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” không, thưa ông?

Tôi may mắn trải qua tuổi trẻ của mình khi đứng trên bục giảng một thời gian để từ đó nhận ra rằng các thầy cô giáo trẻ là một nguồn sáng tạo quý giá cho hoạt động giáo dục mà chúng ta cần phải biết khơi dậy, khích lệ, trân trọng và tạo điều kiện phát triển. Đã có nhiều câu chuyện trong thực tế hiện nay về sự sáng tạo và đóng góp có giá trị của các nhà giáo trẻ cho công tác dạy và học. 

Từ những trải nghiệm của bản thân tôi cùng với tôn chỉ hoạt động của Thiên Long – Sức mạnh tri thức, tôi tin rằng việc đồng hành của Thiên Long với chương trình “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” là một quyết định đúng đắn và chúng tôi quyết tâm thực hiện thành công chương trình này.

4. Trong năm đầu tiên tổ chức “Tri Thức Trẻ Cùng Giáo Dục”, Thiên Long kỳ vọng gì ở chương trình này?

Với 3 mục đích dài hạn của chương trình – cổ vũ, tôn vinh tri thức trẻ và kêu gọi xã hội hướng đến các thành quả lao động của tri thức trẻ vì giáo dục, trong năm đầu tiên tổ chức chương trình “Tri thức Trẻ Vì Giáo Dục”, chúng tôi mong rằng từ nay trở đi, giới trí thức nói chung và trí thức trẻ nói riêng sẽ tìm ra được nguồn động viên dành cho những đóng góp giá trị của mình đối với hoạt động giáo dục Việt Nam. Chúng tôi cũng tin rằng ngay trong năm đầu tiên tổ chức chương trình này, chúng tôi sẽ đón nhận được sự ủng hộ của xã hội, của những người có tâm huyết với nền giáo dục hiện nay cũng như sẽ có nhiều công trình, sáng kiến được gửi về Ban Tổ Chức chương trình từ những tri thức trẻ đang có hoài bão và tâm nguyện tốt đẹp đối với sự nghiệp trồng người của nước nhà.  

5. Với 15 năm đồng hành cùng “Tiếp Sức Mùa Thi”, Thiên Long có những kinh nghiệm quan trọng nào để áp dụng cho những chương trình mới như “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục”? 

Về cơ bản, “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” và “Tiếp Sức Mùa Thi” đều hướng đến sự phụng sự cho cộng đồng, xã hội, trong đó có sự nghiệp giáo dục. Điểm khác nhau chính yếu của 2 chương trình ở chỗ quy trình và cách thức thực hiện. Thành công của “Tiếp Sức Mùa Thi” trong suốt 15 năm qua chính nhờ ở sự ủng hộ mạnh mẽ của tất cả người dân Việt Nam. Một khi chúng ta làm đúng và làm tốt những gì xã hội mong muốn và đặt niềm tin thì chúng ta hy vọng sẽ nắm được chìa khóa thành công của chương trình. Với “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục”, Thiên Long hy vọng rằng với những giá trị nhân văn do chương trình đem lại, chương trình cũng sẽ đón nhận được những hiệu ứng tích cực từ xã hội.

6. Quay trở lại với cuộc thi “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục”, chỉ có không quá 5 công trình tiêu biểu nhất được trao thưởng 100 triệu đồng/công trình hàng năm. Con số này quá ít so với thực tế là hiện nay có khá nhiều công trình nghiên cứu phục vụ giáo dục của các tri thức trẻ không, thưa ông?

Xin xác nhận rằng về giải thưởng của chương trình, ngoài 5 công trình tiêu biểu nhất với trị giá 100 triệu đồng/công trình, ban tổ chức còn tuyên dương khoảng 10 công trình, sáng kiến khác vào vòng chung kết với giải thưởng trị giá 10 triệu đồng/công trình. Chúng tôi cho rằng con số này là đủ để khuyến khích các tri thức trẻ gửi những công trình nghiên cứu của mình về “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” trong những năm đầu tiên của chương trình. Trong tương lai, với sự tham gia của nhiều nguồn lực khác nhau từ xã hội, chắc chắn rằng số lượng và cơ cấu giải thưởng của chương trình sẽ được tái xem xét.  Đặt vấn đề trị giá của giải thưởng sang một bên, chúng ta cần thấy rằng giá trị tinh thần của giải thưởng mới là điều quan trọng nhất đối với người nhận giải.

7. Nhiều ý kiến cho rằng những chương trình như thế này chỉ mang tính phong trào, tìm kiếm được những ý tưởng tốt cũng chưa chắc sẽ thực hiện được các ý tưởng này vì trở ngại kinh phí chẳng hạn. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?

Quả thật hiện đang có một số chương trình, cuộc thi…mang tính phong trào và nhanh chóng đi vào quên lãng. Tuy nhiên, đối với chương trình “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục”, chúng tôi rất tự tin thực hiện trên cơ sở lâu dài vì nhiều lý do. Hiện nay, có rất nhiều tấm gương của tri thức trẻ luôn tìm tòi và sáng tạo vì hoạt động giáo dục và cuộc thi này là điều cần thiết để tuyên dương những cá nhân đó. Kế đến, chương trình này là động lực, là chất xúc tác để tri thức trẻ mạnh dạn nghiên cứu và sáng tạo ra những giá trị mới mẻ, mang tính thực tiễn cho hoạt động giáo dục. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể xem chương trình này như “một sàn giao dịch ý tưởng” để các tri thức trẻ nghiên cứu, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành các công trình hay tác phẩm mới.

Với chương trình được thực hiện trong 5 năm liền, chúng tôi khẳng định rằng đây không phải là chương trình mang tính phong trào.

Về việc thực hiện các ý tưởng, đặc biệt đối với những công trình, sáng kiến có giá trị xã hội lẫn giá trị kinh tế, tôi tin rằng một khi chương trình “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” có sự ủng hộ từ cộng đồng, xã hội cũng như sự tham gia của nhiều nguồn lực hỗ trợ khác nhau, chắc chắn rằng kinh phí không phải là chuyện lớn.

8. Tri thức là vô tận, nâng cao giáo dục cũng là một vấn đề “khó” của đất nước, có khi nào ông cảm thấy “khó” cho một doanh nghiệp đã mang tâm nguyện cống hiến vì sự phát triển nền Giáo dục Việt Nam?

Đôi lần chúng tôi thấy “khó”. Cái khó đầu tiên dễ nhận thấy nhất là bài toán về ngân sách. Mỗi khi đứng trước lựa chọn giữa cân đối ngân sách và lợi ích xã hội, tôi luôn muốn nghiêng về lựa chọn thứ 2 nhưng trên thực tế, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đôi lần tôi buộc phải “lực bất tòng tâm”.

Cái khó thứ hai, chính xác hơn là “lo”. Chúng tôi trăn trở không biết những nỗ lực bấy lâu nay của Thiên Long đã đáp ứng được sự mong đợi của cộng đồng và xã hội chưa. Sự ủng hộ từ xã hội chính là động lực lớn lao giúp chúng tôi vượt qua những cái “khó”, cái “lo” để tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

Xin cảm ơn Ông!

 

Ngày 28/4/2016, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long và Báo Tuổi Trẻ tổ chức Họp báo giới thiệu chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục”, chương trình nhằm cổ vũ, khuyến khích thanh niên, đặc biệt là các trí thức trẻ đóng góp cho sự nghiệp giáo dục thông qua các công trình, sáng kiến góp phần đổi mới phương pháp giáo dục và đào tạo.

Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” được các bên tham gia cam kết triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020 nhằm tổ chức các hoạt động tạo môi trường để thanh niên, trí thức trẻ thực hiện, đề xuất các công trình, sáng kiến hỗ trợ việc giảng dạy, học tập. Hàng năm, chương trình tuyên dương “Tri thức trẻ vì giáo dục” được triển khai từ tháng 4 cho đến tháng 11. Thời gian dự kiến trao giải vào dịp 20/11 hàng năm.

Chương trình dành cho đối tượng thanh niên, đặc biệt là trí thức trẻ là công dân Việt Nam đang sinh sống ở Việt Nam dưới 35 tuổi, tham gia chương trình bằng cách gửi về Ban Tổ chức các công trình, sáng kiến mới thuộc lĩnh vực giáo dục như phương pháp dạy học, các sáng chế dụng cụ học tập hoặc công trình nghiên cứu giáo dục. Năm 2016, cuộc thi được phát động rộng rãi trên toàn quốc và bắt đầu nhận hồ sơ tham dự từ ngày 28/4/2016 đến hết ngày 30/9/2016.

Dựa trên tiêu chí về tính khả thi và tính mới để chấm giải, trong khoảng 12 – 15 công trình lọt vào vòng chung kết sẽ có tối đa 5 công trình tiêu biểu được trao giải 100 triệu đồng/công trình. Các công trình còn lại sẽ được trao giải thưởng trị giá 10 triệu đồng/công trình.

Địa chỉ nhận hồ sơ:

Ban Thanh niên Trường học, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Số 64 Bà Triệu, Quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. SĐT: 04.6263.1852; đồng thời gửi bản mềm (file .pdf, .docx, .doc, .pptx, .ppt hoặc các file thiết kế sản phẩm) tới địa chỉ email: trithuctrevigiaoduc@gmail.com

Hoặc Ban Thanh niên, Báo Tuổi Trẻ, Số 60A, Hoàng Văn Thụ, Phường.9, Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. SĐT: 08.3997.3838.

Để biết thêm thông tin về chương trình, vui lòng truy cập vàowww.trithuctrevigiaoduc.com

 

 

04.12.2019
Thiên Long đồng hành cùng “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục”
“Với chương trình “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục”, chúng tôi muốn trao cho tuổi trẻ một cơ hội để “thỏa chí bình sinh” và thể hiện tài năng, sự cống hiến. Tri thức không có tuổi. Tuy nhiên, chúng tôi muốn tập trung nhắm đến những tri thức trẻ” – Đó là chia sẻ của tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa – Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long tại buổi Họp báo giới thiệu chương trình “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” diễn ra vào ngày 28/4 tại Hà Nội.
04.12.2019
Tạo điều kiện cho thế hệ trẻ đóng góp vào sự nghiệp giáo dục
Bên lề buổi Họp báo chương trình “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” diễn ra vào ngày 28/4/2016 tại Hà Nội, báo Sài Gòn Giải Phóng có cuộc trao đổi với tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa – Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long về những kỳ vọng của ông đối với tri thức trẻ và tinh thần “vượt khó” của Thiên Long khi theo đuổi con đường “vì sự phát triển của giáo dục”.
04.12.2019
Công văn của Bộ Giáo dục và Đào về chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục
GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi các Sở GD&ĐT, các ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ, trung cấp về việc phối hợp tổ chức chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục”.
04.12.2019
"Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục" Thu Hút Sự Tham Gia Của Người Trẻ
Sau hơn một tháng phát động, chương trình “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” đã thu hút sự tham gia của người trẻ từ khắp mọi miền đất nước. Mỗi bài dự thi đề cập đến một vấn đề giáo dục khác nhau với cách thức trình bày riêng nhưng đều gặp nhau ở nỗi niềm trăn trở và khát khao cống hiến cho giáo dục của trí thức trẻ Việt Nam.
04.12.2019
15 công trình cạnh tranh để nhận giải thưởng 500 triệu đồng
Từ 15 công trình xuất sắc nhất vừa được công bố của cuộc thi Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục, ban giám khảo chung khảo cuộc thi sẽ chọn ra tối đa 05 công trình tiêu biểu nhất để nhận giải thưởng 100 triệu đồng/công trình.
04.12.2019
​Tuyên dương 42 thầy, cô giáo tiêu biểu nơi đảo xa
Tối 12-11 tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp Bộ GD-ĐT và Tập đoàn Thiên Long tổ chức lễ tuyên dương 42 thầy, cô giáo tiêu biểu đang công tác tại các huyện, xã đảo.