Trao thưởng Tri thức trẻ vì giáo dục: Nhiều đề tài gần với cuộc sống
TTO - Tối 19-5, tại Hà Nội, chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" đã trao thưởng cho các nhóm tác giả có công trình xuất sắc nhất.
Trao giải thưởng cho 5 công trình xuất sắc nhất của chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2022 - Ảnh: THANH HẢI
Chương trình bắt đầu triển khai từ sáu năm trước với sự phối hợp của Trung ương Đoàn, Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ, Tập đoàn Thiên Long.
Từ chỗ chỉ có vài trăm công trình dự thi vào thời đầu, đến năm 2022 có 1.555 công trình là sáng kiến của 827 tác giả và nhóm tác giả.
Trong đó có 224 công trình, sáng kiến đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; 352 công trình sáng chế công cụ phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu và 970 công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.
Công nghệ thông tin đổi mới giáo dục
TS Nguyễn Quân - nguyên bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, trưởng ban giám khảo chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" - chia sẻ: "So với thời kỳ đầu, số lượng và chất lượng công trình tham gia ngày càng tăng. Không chỉ có hàm lượng khoa học mà cả tính ứng dụng, thương mại hóa cũng cao hơn. Hai năm đại dịch COVID-19 cho thấy có nhiều thách thức trong việc ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực đời sống và giáo dục nói riêng. Trong các công trình được chọn vào chung khảo, có nhiều công trình ứng dụng công nghệ thông tin, tích hợp được các nền tảng công nghệ số. Đây là những sản phẩm hữu ích trong bối cảnh hiện nay".
Ở góc độ đơn vị chỉ đạo tiếp nhận sử dụng các sản phẩm, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), thành viên hội đồng chấm chung khảo - cho biết điều ông đánh giá cao ở các công trình vào chung khảo là đã tiếp cận đúng các vấn đề cần thiết trong tiến trình đổi mới giáo dục hiện nay. Cụ thể như cách hỗ trợ nâng cao năng lực của giáo viên, cải thiện tình hình tự học của học sinh, giải quyết những bất cập đang tồn tại.
Công trình "Hệ thống thi trực tuyến EduExam kết hợp giám sát và chống gian lận bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo" mà tác giả là ba bạn trẻ ở tuổi 24 gồm Hoàng Mậu Trung, Nguyễn Thị Thanh Tâm và Nguyễn Văn Nam (Hà Nội) - cùng là cựu sinh viên Học viện Bưu chính viễn thông. Thực tế dạy học trực tuyến kéo dài vì dịch COVID-19 thời gian qua và sự lúng túng của các nhà trường trong việc kiểm soát gian lận khi kiểm tra, thi trực tuyến đã gợi mở cho các bạn trẻ về đề tài xây dựng hệ thống với những tính năng thông minh như những "cán bộ" tổ chức thi, coi thi, chấm thi.
"Hiện trên thị trường chưa có phần mềm nào hỗ trợ đầy đủ một kỳ thi trực tuyến. Đề tài nhằm tạo môi trường thi trực tuyến chuyên nghiệp mô phỏng toàn bộ hoạt động từ thực tế, với các chức năng tiêu biểu: tạo phòng thi, cấp số báo danh, trông thi, giám sát thi và chống gian lận bằng hệ thống AI với độ chính xác cao trên 80%" - Trung chia sẻ.
Công trình "Hỗ trợ học sinh tự học ở nhà bằng nền tảng công nghệ giáo dục Selfomy" của nhóm tác giả Bùi Lê Trí Bảo, Lê Thị Nga, Lê Thị Ngọc Duyên (TP.HCM) lại hướng đến một thực trạng đang khá phổ biến là học sinh phổ thông ít có thói quen và còn gặp nhiều khó khăn trong việc tự học. Theo Trí Bảo, với ứng dụng công nghệ đi kèm tài nguyên cần thiết, hệ thống này có thể giúp học sinh tiết kiệm thời gian và nâng hiệu quả tự học hơn.
Còn hai tác giả nhỏ tuổi đang là học sinh lớp 12 Đinh Thị Giàu, Lư Xuân Minh lại lựa chọn một nội dung khá bất ngờ là "thay bộ áo mới cho môn học đạo đức trong môi trường tiểu học". "VIMA - Ứng dụng đạo đức tương tác ảo dành cho học sinh tiểu học" có thể hỗ trợ biến các tình huống liên quan tới đạo đức, kỹ năng sống ngoài thực tiễn thành các tình huống dựng lại bằng video, hình ảnh động để học sinh có cái nhìn trực quan, sống động. Điều này giúp cho môn đạo đức không khô khan mà gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ.
Lan tỏa trong học sinh, sinh viên, giáo viên
Khác với thời kỳ đầu của chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục", những công trình vào chung kết năm nay đều tạo nên sự lan tỏa trong học sinh, sinh viên, giáo viên của các nhà trường ngay trong quá trình triển khai.
"Nền tảng học tập trực tuyến cho giáo viên" - của nhóm tác giả Hoàng Anh Đức , Hoàng Giang Quỳnh Anh, Phạm Minh Anh, Đào Quỳnh Anh, Hồ Tường Linh (Hà Nội) - hướng tới cộng đồng 1,2 triệu giáo viên có thói quen tự học, tự nghiên cứu. Theo Hoàng Minh Đức , nền tảng này không chú trọng vào việc hỗ trợ để dạy và học nội dung gì mà xoay quanh các trụ cột: học thế nào? dạy thế nào? thiết kế sư phạm thế nào? "Sau 1 năm triển khai, hiện đang có trên 26.000 giáo viên tham gia học tập" - Hoàng Minh Đức chia sẻ và cho biết khát vọng của anh và nhóm tác giả là con số này sẽ tăng nhiều hơn trong thời gian tới.
Theo Bùi Lê Trí Bảo, từ năm 2013 đến nay các sản phẩm hỗ trợ học sinh tự học đã mang đến hàng ngàn nội dung chất lượng với cộng đồng năng động cho gần 1 triệu học sinh mỗi tháng trên cả nước từ lớp 1-12. Không chỉ tạo lan tỏa cho sản phẩm trong cộng đồng, công trình còn là nguồn cảm hứng để nhóm tác giả tiếp tục hoàn thiện và nhận được các giải thưởng về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Trí Bảo cho biết nhóm mong muốn có thể hỗ trợ khoảng 3 triệu học sinh vào năm 2022.