TRAO THƯỞNG "TRI THỨC TRẺ VÌ GIÁO DỤC" NĂM 2017
Sau 5 tháng phát động và triển khai, tối 9-11 tại Hà Nội, chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2017" đã tìm ra ba công trình, sáng kiến tiêu biểu nhất toàn quốc để trao giải.
Ba công trình, sáng kiến tiêu biểu nhất toàn quốc cuộc thi Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2017 - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Tham dự lễ trao giải có bà Lâm Phương Thanh, phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng; ông Phạm Tất Thắng, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT; anh Nguyễn Long Hải, Bí thư Trung ương Đoàn; anh Bùi Quang Huy, Bí thư Trung ương Đoàn; ông Đinh Minh Trung, phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ; ông Nguyễn Đình Tâm, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long và các nhà giáo dục, nhà khoa học trong hội đồng ban giám khảo.
Sử dụng công nghệ mới vì giáo dục
Đây là năm thứ hai diễn ra chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" thu hút 329 công trình, sáng kiến của đoàn viên, thanh niên, trí thức trẻ trong cả nước.
Trong đó 171 công trình, sáng kiến đổi mới phương pháp dạy học sáng tạo và hiệu quả; 84 công trình, sáng kiến sáng tạo, chế tạo ra các công cụ phục vụ giảng dạy và học tập; 74 công trình về lĩnh vực khoa học giáo dục.
Đó là các công trình, sáng kiến: "Nền tảng phát triển giáo dục Open Classroom", Tác giả Nguyễn Hữu Hải cùng các cộng sự ở Viện CNTT, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam; công trình "Full Look-phần mềm học song ngữ phát triển năng lực toàn diện" của nhóm tác giả Trần Thị Mai Phương, Lê Thị Thu Ngân; công trình "Phổ biến thí nghiệm vật lý" của tác giả Nguyễn Trường Vũ.
Hội đồng chung khảo đánh giá các công trình đạt giải sử dụng công nghệ mới vào việc dạy học với tiềm năng ứng dụng thực tiễn trong phạm vi lớn, bám sát quá trình đào tạo ở các trường phổ thông và công tác giảng dạy tại trường đại học, cao đẳng, ứng dụng lĩnh vực công nghệ thông tin vào đổi mới giáo dục.
Ngoài ra, ban tổ chức quyết định trao thêm hai giải khuyến khích cho hai công trình, sáng kiến của tác giả nhỏ tuổi nhất cho công trình "Sổ tay trang bị kỹ năng phòng, chống mua bán người và biện pháp nâng cao kỹ năng phòng, chống mua bán người qua biên giới cho học sinh trung học tỉnh Lạng Sơn" của nhóm tác giả Lý Phương Anh, Trần Lê Linh Chi (Lạng Sơn) và sáng kiến "Áp dụng hình thức debate quốc tế vào hoạt động dạy và học ở trường THPT" của tác giả Phạm Hoàng Ân (TP. HCM). Mỗi công trình sẽ nhận giải thưởng 20 triệu đồng.
Công trình có giá trị lớn khi ứng dụng vào thực tế
Đại diện ba công trình, sáng kiến lọt vào Top 10 giao lưu tại lễ trao giải - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Phát biểu tại chương trình, anh Bùi Quang Huy, Bí thư Trung ương Đoàn cho biết, trải qua vòng xét duyệt khắt khe có 10 công trình lọt vào chung khảo.
"Vấn đề đặt ra là áp dụng các công trình đó vào thực tiễn việc giảng dạy, học và nghiên cứu. Điều đó đòi hỏi sự vào cuộc của các đơn vị tham gia tổ chức, cần sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp", anh Bùi Quang Huy nhấn mạnh.
Đồng thời, ban tổ chức chương trình kỳ vọng phát hiện thêm nhiều những trí thức trẻ có công trình tiêu biểu, xuất sắc khác, những giải pháp ưu việt nhất cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Là đơn vị luôn đồng hành với chương trình, Tập đoàn Thiên Long luôn khẳng định niềm tin vào sức mạnh của tri thức và khẳng định sẽ luôn sát cánh để tạo ra sân chơi bổ ích, khơi gợi sức mạnh trí tuệ, thổi bùng khát khao đóng góp cho ngành giáo dục của trí thức trẻ.
"Tuy nhiên, việc tìm kiếm ra các ý tưởng hay thôi vẫn chưa đủ, cuộc thi Tri thức trẻ vì giáo dục sẽ mang nhiều hiệu quả lan tỏa hơn nếu các công trình được ứng dụng vào thực tế. Để làm được việc đó, sự trợ giúp của các nguồn lực xã hội là điều rất cần thiết.
Chúng tôi hy vọng rằng các nguồn lực xã hội sẽ chung tay để rút ngắn hành trình gian nan biến một ý tưởng hay thành một sản phẩm hoàn chỉnh phục vụ tốt cho giáo dục", ông Nguyễn Đình Tâm, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long bày tỏ.
Vui mừng giành chiến thắng, tác giả Nguyễn Hữu Hải, đại diện nhóm công trình "Nền tảng phát triển giáo dục Open Classroom" chia sẻ, ngay từ đầu tham dự chương trình, chúng tôi xác định dù có thành công hay không thành công thì chúng tôi vẫn bước tiếp vì là kế hoạch chúng tôi đưa ra từ đầu. Chúng tôi muốn nhân rộng sản phẩm đến toàn bộ giáo viên, học sinh, mọi người trên toàn quốc trong thời gian gần.
Tác giả Lê Thị Bé Nhung, một trong ba tác giả, nhóm tác giả có công trình xuất sắc nhất năm 2016 xúc động vì một lần nữa được đứng trên sân khấu chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2017. Chị Nhung xúc động chia sẻ niềm vui về bộ sách về giáo dục giới tính đã được ban tổ chức và Nhà xuất bản Trẻ hỗ trợ để phát hành ba cuốn sách. "Tôi mong rằng sản phẩm sẽ được nhân rộng, lan tỏa đến nhiều học sinh, giáo viên trong nhà trường. Mong chương trình sẽ lớn mạnh hơn nữa, có nhiều công trình, sáng kiến vì giáo dục", chị Lê Thị Bé Nhung chia sẻ. |
Tiết mục văn nghệ mở màn chương trình trao giải Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2017 - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Các khách mời tham dự chương trình - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Anh Bùi Quang Huy, Bí thư Trung ương Đoàn phát biểu tại chương trình - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Ông Nguyễn Đình Tâm, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long thay mặt ban tổ chức trao 20 triệu đồng cho hai nhóm tác giả trẻ tuổi nhất có công trình tiềm năng - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
TT |
Tên công trình, sáng kiến |
Tác giả / Nhóm tác giả |
Đơn vị |
1 |
Xây dựng phòng thí nghiệm ảo phục vụ giảng dạy và thí nghiệm các môn học thuộc chuyên ngành gia công áp lực, Khoa cơ khí, Học viện Kỹ thuật Quân sự |
Nguyễn Mạnh Tiến Trần Đức Hoàn Nguyễn Xuân Diệp |
Ban Thanh niên Quân đội |
2 |
Nền tảng phát triển giáo dục Open Classroom |
Nguyễn Hữu Hải |
Hà Nội |
3 |
Vận dụng công nghệ 3D thiết kế và sử dụng bảo tàng ảo trong dạy học lịch sử ở trường THPT (Ban cơ bản) |
Nguyễn Thu Quyên |
Hải Dương |
4 |
Thực hành đo đạc vi khí hậu và ứng dụng dữ liệu vệ tinh trong giảng dạy và học tập các kiến thức môi trường trong môn địa lý ở bậc THCS và THPT |
Lưu Đức Trung Hoàng Thị Trang |
Thái Lan |
5 |
Sổ tay trang bị kỹ năng phòng, chống mua bán người và biện pháp nâng cao kỹ năng phòng, chống mua bán người qua biên giới cho học sinh trung học tỉnh Lạng Sơn |
Lý Phương Anh Trần Lê Linh Chi |
Lạng Sơn |
6 |
Thiết kế các hoạt động giáo dục tài chính trong tiết học ngoài giờ lên lớp ở tiểu học |
Trần Nguyễn Thanh Trúc |
TP.HCM |
7 |
Áp dụng hình thức debate quốc tế vào hoạt động dạy và học ở trường THPT |
Phạm Hoàng Ân |
TP.HCM |
8 |
Full Look-phần mềm học song ngữ phát triển năng lực toàn diện |
-Trần Thị Mai Phương -Lê Thị Thu Ngân |
Hà Nội |
9 |
Phổ biến thí nghiệm vật lý |
Nguyễn Trường Vũ |
Thừa Thiên Huế |
10 |
Sự cần thiết của việc xây dựng và đưa hoạt động tư vấn học đường vào các trường THCS (tác phẩm đoạt giải Bình chọn) |
Nguyễn Trương Quý Trọng |
TP.HCM |
HÀ THANH
Nguồn : tuoitre.vn