Tái chế rác thải nhựa thành đồ dùng học tập ở mầm non Yên Bái
TTTĐ - Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, hàng ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 460 tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó, rác thải nhựa chiếm khoảng 10% (tương đương 46 tấn/ngày).
Cô giáo trường Mầm non Bông Sen hướng dẫn các bé chăm sóc cây được trồng trong những can nhựa (Ảnh: Quang Chương)
Những đồ nhựa bỏ đi tưởng chừng sẽ chỉ có một con đường duy nhất là tiêu hủy tuy nhiên tại một ngôi trường mầm non tại Yên Bái nó lại là những vật dụng hết sức ý nghĩa cho học sinh.
Sáng kiến hạn chế thải rác nhựa ra môi trường
Là một tỉnh hết sức khó khăn của vùng Tây Bắc, Yên Bái với vị trí địa lý không được thuận lợi nhưng nơi đây lại được thiên nhiên ban tặng cho cảnh đẹp non nước hữu tình của Hồ Thác Bà, những cung bậc tình yêu của ruộng lúa vàng bậc thang…
Chính vì vậy, việc bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ hôm nay và cho ngày sau và nhất là những lứa tuổi học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường hết sức quan trọng để gìn giữ cảnh đẹp ấy không bị phá hủy bởi rác thải, bởi sự tàn phá của con người.
Tại Yên Bái, trường mầm non Bông Sen là ngôi trường xinh xắn nằm ở Tổ 17 phường Minh Tân (thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái) với những bé thơ có nụ cười và ánh mắt trong veo. Điều đặc biệt nhất ở đây là các thầy cô đã giúp các em không chỉ có một ngôi trường sạch sẽ, tươi mới mà còn đầy sáng tạo với những đồ dùng học tập được tái chế từ rác thải nhựa.
Cô Nguyễn Thị Hương Giang - Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Bông Sen chia sẻ: “Những hộp nhựa, rác thải nhựa thì cô giáo huy động các phụ huynh làm đồ chơi cho các cháu học sinh chơi. Vì việc để mua đồ chơi cho các cháu sẽ tốn rất nhiều kinh phí, trong khi không thể bắt phụ huynh đóng nhiều tiền để mua những đồ như vậy được".
Các cô thường dùng ống sữa, thanh gỗ và sơn màu tạo thành đồ chơi cho trẻ. Những đồ chơi này khi va vào nhau tạo thành các âm thanh mà trẻ rất thích.
Ngoài những hoạt động ngoài trời như chơi cầu trượt, chơi đu quay… thì những đồ chơi mà các cô ở đây tạo ra cho các bé như đồ chơi nước, chơi ống âm thanh…
Ngoài ra, ở trường Mầm non Bông Sen còn có những chậu hoa từ lốp xe bỏ đi, chai nhựa... những bộ bàn ghế bằng gỗ đồ bỏ đi, tái chế làm thành đồ cho phụ huynh, cô giáo hay các bé ngồi.
Theo cô Giang chia sẻ, ý tưởng tái chế đồ nhựa thành đồ chơi hình thành từ những năm 2014, 2015 rồi từ khi đổi chương trình giáo dục. Trước việc sử dụng đồ nhựa dùng cho việc trồng hoa, học tập nhà trường nhận được phản hồi hết sức tích cực từ phía phụ huynh. Vào những ngày thứ bảy, chủ nhật cô giáo, phụ huynh đến cùng làm những đồ trong trường để trang trí cho khuôn viên trường học. Rồi cả khi phụ huynh thấy thích thú, họ lại về nhà làm mô hình.
Nhiều phụ huynh chia sẻ rằng, học thích đến trường nhiều hơn bởi môi trường và những đồ trang trí ở trường của con bắt mắt và lạ lẫm khiến mọi người rất thích thú. Nhiều khi các cơ quan khác cũng học tập mô hình tái chế đồ nhựa để triển khai về tái chế đồ nhựa.
Nhờ sáng kiến biến rác thải thành đồ chơi, các cô giáo ở trường mầm non Bông Sen không chỉ giúp hạn chế đưa rác thải ra môi trường, tiết kiệm kinh phí mà còn tạo ra được những niềm vui có đồ chơi mới cho con trẻ. Bên cạnh đó, điều thành công nhất là các cô còn thu hút được phụ huynh cùng tham gia làm đồ chơi, đồ dùng học tập cho các con.
Chị Hoàng Thị Hạnh (trú tại phường Minh Tân, thành phố Yên Bái, phụ huynh học sinh): “Cháu nhà tôi đang học lớp mẫu giáo nhỡ ở trường Mầm non Bông Sen. Từ ngày được các cô giáo ở trường hướng dẫn, ở nhà cháu tự ý thức bỏ rác đúng nơi quy định; tự mầy mò làm những đồ chơi, lọ hoa từ những vỏ chai lọ. Có can nhựa bỏ đi, cháu cũng nhờ bố chế thành chậu trồng hoa. Những việc làm của cháu khiến cả gia đình cũng phải có ý thức hơn”.
Cô, trò trường Mầm non Bông Sen tận dụng đồ nhựa làm giáo cụ (Ảnh: Quang Chương)
Lồng ghép các bài học môi trường một cách tự nhiên
Cô Phó Hiệu trưởng trường mầm non Bông Sen còn chia sẻ thêm, nhà trường luôn thực hiện việc duy trì tạo môi trường ở trong lớp và ngoài lớp. Nhiều người tới đây hay nói là đến trường như được đến với mùa xuân vì lúc nào cũng có cây xanh và hoa nở trong khuôn viên trường.
Mỗi lớp 35 học sinh sẽ chia nhau chơi ở ngoài trời ở những khu vực mà các cô tạo cho các em đồ chơi tái chế.
Ở trường học tại đây, các bé sẽ được uống nước bằng ca inox để sử dụng mà không hề dùng đồ cốc nhựa. Khi sử dụng xong sẽ được rửa sạch và sử dụng lại lần sau.
Tại trường có khoảng hơn 400 học sinh, lớp ít tuổi nhất là khoảng 18 đến 24 tháng tuổi nhưng tại trường các bé luôn ý thức được việc học tập, vui chơi phải đi cùng với bảo vệ môi trường, mà điều trước tiên là bảo vệ ngôi trường, lớp học được xanh, sạch đẹp và không còn rác thải.
Từ những buổi học, bài học, các cô sẽ gắn vào đó những nội dung về bảo vệ môi trường đơn giản như giữa hình ảnh và những nội dung nhỏ gắn với bảo vệ môi trường sao cho ý nghĩa. Vì sao có rác thải nhựa, rác thải nhựa vì sao lại nguy hại, ô nhiễm nguồn nước ra sao? Mỗi tuần sẽ có 5 hoạt động dạy học. Hiện tại, tài liệu tuyên truyền chủ yếu là do các cô trong trường tự làm thể hiện bằng slide, hình ảnh minh họa để dạy cho các bé.
Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường là một trong những giải pháp quan trọng giúp trẻ hiểu được tầm quan trọng của môi trường đối với đời sống, trẻ thêm yêu thiên nhiên, biết chăm sóc bảo vệ hành tinh xanh. Đây là một khởi đầu cho sự phát triển toàn diện của trẻ, đặt nền tảng cho các cấp học tiếp theo.
Không chỉ ở trường Mầm non Bông Sen, thời gian qua, nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh về vấn đề bảo vệ môi trường, nhất là rác thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy, Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng, các nhà trường tổ chức nhiều buổi tuyên truyền ngoại khóa, triển khai các cuộc thi vẽ tranh, thời trang, văn nghệ với chủ đề về môi trường, rác thải nhựa. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa.
Tại Trường Mầm non xã Xuân Ái của huyện Văn Yên, cô và trò của trường cũng đang tích cực triển khai phong trào “Hạn chế rác thải nhựa” bằng cách không sử dụng chai nhựa dùng một lần mà thay thế bằng bình thủy tinh; các bình nước hay cốc cho các em cũng được thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Cô Hoàng Thị Huệ - Hiệu trưởng trường Mầm non xã Xuân Ái chia sẻ: “Từ năm 2019 đến nay, trường cũng tích cực hưởng ứng, trước kia trường vẫn sử dụng chai nhựa dùng 1 lần nhưng giờ đã thay thế bằng chai thủy tinh. Hàng tuần chúng tôi thường xuyên tổ chức dọn vệ sinh trong khuôn viên trường, hướng tới môi trường xanh - sạch - đẹp”.
Ông Hà Mạnh Cường - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, cho biết: "Một trong những nguyên nhân khiến lượng rác thải nhựa ngày càng tăng là sự tiện dụng của đồ dùng nhựa và nhiều người dân chưa có ý thức thu gom, phân loại để tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa. Để nâng cao nhận thức của cộng đồng về rác thải nhựa, nhất là việc sử dụng rác thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy trong các trường học, Sở đã phối hợp với các bên liên quan tổ chức các buổi tuyên truyền ngoại khóa cũng như các cuộc thi vẽ tranh, thời trang về tác hại của rác thải nhựa. Bên cạnh đó, Sở phối hợp với Quỹ Bảo vệ môi trường phát ba lô, túi đeo chéo, áo phông và túi ni lông cho các trường học và điểm bán hàng”.
Những mô hình như ở trường Mầm non Bông Sen, trường Mầm non xã Xuân Ái… là kết quả từ việc hưởng ứng phong trào “Hạn chế rác thải nhựa ở Yên Bái”. Đến nay tỉnh đã có thêm rất nhiều mô hình làm tốt việc giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, trong đó có việc hạn chế tối đa rác thải nhựa, như ở Trường Cao đẳng sư phạm Yên Bái, trường THPT Lý Thường Kiệt…
Phong trào “Hạn chế rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh Yên Bái nói chung, trong các nhà trường nói riêng đã và đang được nhân rộng. Để phong trào này có sức lan tỏa, không mang tính hình thức rất cần có sự vào cuộc của cả xã hội, cần có thêm nhiều mô hình như ở trường Mầm non Bông Sen, trường Mầm non xã Xuân Ái… Học sinh là thế hệ tương lai của đất nước, là những chủ nhân quyết định đối với sự phát triển của cả xã hội, đồng thời cũng là người bị ảnh hưởng nhiều nhất của vấn đề môi trường đối với sự phát triển sau này. Do đó, những hành động thiết thực để các em nhận thấy trách nhiệm và thách thức của vấn đề bảo vệ môi trường đối với tương lai của chính mình là rất quan trọng.
Đức Mậu - Hoài An