Sinh viên TP HCM giành giải với sản phẩm gạch từ rác thải
Ba sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM làm gạch lát, ngói nhà từ rác thải nhựa, giành giải nhất cuộc thi "Trả xanh cho biển" 2020.
Chiều 5/9, vòng chung kết cuộc thi "Trả xanh cho biển" (To blue the blue) do Quỹ ASEAN tổ chức diễn ra tại Đại học Quốc gia Hà Nội với 6 đội xuất sắc. Vượt qua hơn 40 đối thủ, đội Pando của ba sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM nhận giải cao nhất với 10 triệu đồng tiền mặt và giấy chứng nhận.
Phạm Mạnh Đình, đại diện đội Pando, chia sẻ khối lượng rác thải nhựa thải ra môi trường hàng năm vô cùng lớn, đe dọa thiên nhiêu và gây nguy hại cho sức khỏe. Nhận ra những vấn đề này, Pando đã tạo ra gạch lát, ngói nhà chỉ với nguyên liệu đầu vào là rác thải và cát. Nhóm ước tính, một viên ngói sẽ khoảng 18.000 đồng, bao gồm toàn bộ chi phí sản xuất, điện nước.
Vì Covid-19, nhóm không thể ra Hà Nội dự vòng chung kết nên đã có phần thuyết trình, phản biện online, gây ấn tượng với ban giám khảo. Ý tưởng của Pando được đánh giá khả thi, có tính ứng dụng, xứng đáng giành giải cao nhất.
Ngoài Pando, các sáng kiến của top 6 có mô hình thu gom rác nhựa kết hợp giáo dục tại trường học (giải nhì), tái chế vỏ mì tôm thành sản phẩm hữu hiệu (giải ba)... Hai đội lần lượt nhận 5 và 3 triệu đồng cho ý tưởng. Ba đội còn lại giành giải khuyến khích.
Anh Nguyễn Khánh Toàn, Điều phối quốc gia của "Trả xanh cho biển", đánh giá cuộc thi năm nay tương đối thành công, suôn sẻ, gần như đạt được kỳ vọng và mục tiêu của ban tổ chức đề ra. "Hy vọng trong các năm tới, Trả xanh cho biển sẽ thu hút được số lượng sáng kiến lớn, đến từ nhiều tỉnh thành hơn", anh Toàn nói.
Cuộc thi "Trả xanh cho biển" là sự kiện đồng hành của Hội nghị mô phỏng ASEAN của Quỹ ASEAN, dành cho người trẻ 16-23 tuổi. Lần đầu được tổ chức nhân dịp kỷ niệm năm Việt Nam giữ vị trí Chủ tịch ASEAN, "Trả xanh cho biển" đặt mục tiêu giúp thanh niên Việt Nam nhận thức rõ trách nhiệm của công dân ASEAN với cộng đồng, quốc gia và khu vực đang sống, từ đó thúc đẩy vai trò tiên phong của người trẻ trong việc giải quyết vấn đề thiết thực cho cộng đồng.
Trong mùa đầu tiên, chương trình diễn ra trong một tháng, nhận được hơn 40 sáng kiến bảo vệ môi trường biển dưới nhiều hình thức như bài luận, video, ảnh, mô hình... Sau ba tuần bình chọn, 6 sáng kiến bước vào vòng chung kết.
Thanh Hằng