Sáng kiến hỗ trợ giảng dạy giúp học sinh khiếm thị tiếp thu kiến thức tốt hơn của hai học sinh lớp 11
(CTG) Chứng kiến những khó khăn vất vả của thầy cô giáo trong việc truyền tải kiến thức và cũng như sự khó khăn của học sinh khiếm thị tiếp thu kiến thức từ thầy cô, hai em học sinh lớp 11 là Đinh Thị Giàu và Lữ Xuân Minh tai huyện Đất Đỏ - tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã này ra ý tưởng là chế tạo “Bàn học chữ nổi đa năng dành cho học sinh khiếm thị”. Đây là công trình dự thi Chương trình “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” năm 2020 do Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức
Giúp người khiếm thị bớt khó trong học tập
Việc dạy học sinh bình thường đã khó, dạy các học sinh khiếm thị còn khó khăn, vất vả hơn rất nhiều. Chính vì vậy, những giáo viên dạy khiếm thị còn được gọi là “giáo viên đặc biệt” với khối lượng công việc gấp 3-4 lần so với các thầy cô giáo thông thường. Chưa kể đến là nguồn lực giảng dạy còn nhiều hạn chế, phụ thuộc rất nhiều vào sách chữ nổi. Lượng sách chữ nổi cũng không thể đáp ứng nhu cầu của học sinh, giá thành cao, cồng kềnh, bất tiện, rất khó khăn trong việc nắm bắt thông tin.
Chứng kiến những trở ngại đó, Giàu và Minh đã nảy ra ý tưởng sáng tạo công cụ để hỗ trợ việc giảng dạy cho học sinh khiếm thị. Và mô hình “Bàn học chữ nổi đa năng” đã ra đời từ đó.
Học sinh khiếm thị chủ yếu tiếp cận thông tin trên lớp qua sách chữ nổi cồng kềnh, nhiều hạn chế.
Chia sẻ về sáng kiến này, Đinh Thị Giàu cho biết: “Ý tưởng về một hệ thống “Bàn học chữ nổi đa năng dành cho người khiếm thị” không phải ngẫu nhiên mà chúng em nghĩ đến mà nó xuất phát từ việc chúng em đã quan sát và nhận định về những sản phẩm phục vụ học tập cho người khiếm thị trong các cuộc thi sáng tạo và thực tế đời sống xã hội. Những sản phẩm ấy tuy cũng có một số ưu điểm và đã cải thiện được nhiều mặt hạn chế trong quá trình học tập của người khiếm thị nhưng chưa giải quyết triệt để những vấn đề cơ bản tưởng chừng như không cần thiết…Nhận thấy được tính cấp thiết của việc hỗ trợ giảng dạy người khiếm thị, và những rung cảm trước các mảnh đời bất hạnh nhưng luôn khát khao học hỏi, mở mang kiến thức của học sinh khiếm thị, chúng em càng cố gắng nỗ lực tìm ra giải pháp và nghiên cứu phương án chế tạo “Bàn học chữ nổi đa năng”.”
Để có thể hiện thực hóa ý tưởng của mình và tìm hiểu sâu hơn công việc giảng dạy học sinh khiếm thị, Giàu và Minh đã không quản ngại đường xá xa xôi tìm đến Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (Tp.HCM), lắng nghe tâm sự của các em học sinh và giáo viên tại đây về những khó khăn, bất cập đang gặp phải. Từ đó, hai bạn đã tổng hợp lại và chọn lọc dựa trên tâm lý, thói quen, khả năng của các học sinh khiếm thị và những sản phẩm đã có trên thị trường hiện nay để đưa ra phương án tôi ưu nhất cho sản phẩm của mình.
Bảng chữ Braille.
Chia sẻ về sản phẩm của mình, Đinh Thị Giàu cho biết: “Bàn học chữ nổi đa năng” gồm các phần: Phần 1 là bảng chữ nổi có 18 ô ký tự làm bằng kim loại hoặc chất dẻo hoặc gỗ mỏng, mỗi ô có 6 chấm được khoét rỗng. Bảng hoạt động dựa trên nguyên lý đóng ngắt của relay (rơ-le) có khả năng hiển thị mọi thứ giáo viên viết và truyền đạt chỉ cần có dữ liệu dạng văn bản gửi từ trên bộ phận quản lý của giáo viên. Việc hiển thị sẽ dựa trên thuật toán bảng chữ Braille (được tạo thành từ 6 điểm, các điểm này được sắp xếp một trong khung hình chữ nhật gồm 2 cột và 3 dòng); Phần 2 là hệ thống quan sát bằng camera lắp ở mỗi bàn học để quan sát học sinh và quản lý học sinh tiện hơn; Phần 3 là hệ thống giao tiếp tương tác: giáo viên còn có thể nhắc nhở và dạy cho từng học sinh ở xa bằng loa-mic bluetooth; nút báo gọi giáo viên ở mỗi bàn học sinh để gọi giúp đỡ khi cần thiết.
Thông qua bàn học chữ nổi đa năng của Giàu và Minh sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho các giáo viên trong việc quản lý lớp, có thể truyền đạt thông tin đến các học sinh khiếm thị một cách đơn giản, dễ dàng hơn rất nhiều.
Sơ đồ nguyên lý của Bàn học chữ nổi đa năng.
Đồng thời, mô hình này cũng tạo điều kiện cho những học sinh khiếm thị tiếp cận kho kiến thức khổng lổ, những điều mà tưởng chừng như chỉ hiện diện trên những dòng chữ đắt đỏ của một quyển sách chữ nổi, giờ đây một phần nào đó đã giải quyết được bài toán khó mà những người khiếm thị luôn khao khát mong ước. Và sản phẩm cũng mang đến hi vọng giúp người khiếm thị hòa nhập với thế giới bằng việc tiếp cận công nghệ thông tin hiện đại hóa, tạo điều kiện cho họ có cơ hội vươn mình, thể hiện giá trị tài năng đích thực của bản thân để cống hiến cho đất nước. Đó cũng chính là mong muốn mà hai em học sinh Giàu và Minh gửi gắm vào sản phẩm này.
“Bước đầu đã có những kết quả tích cực. Nhưng khó khăn hiện tại là sản phẩm có hệ thống mạch khá phức tạp, bao gồm các chi tiết rất nhỏ mà bằng bàn tay con người không thể tạo ra mà phải có sự tham gia của máy móc, cộng thêm vào đó là hạn chế về thời gian, điều kiện kinh tế nên chúng em chỉ mới phác thảo trên bản vẽ và sơ đồ kỹ thuật”, Giàu chia sẻ thêm.
Nhóm nghiên cứu hi vọng nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư hỗ trợ sản xuất sản phẩm, từ đó nhân rộng thiết bị này hỗ trợ công tác giảng dạy tại các trường học, trung tâm dành cho người khiếm thị trên cả nước.
Anh Kiệt