Sách xúc giác cho trẻ khiếm thị
TTO - Sách không chỉ có nội dung, hình ảnh mà còn có cả mùi hương, âm thanh. Đó là thành quả của công trình Phát triển sách xúc giác dành cho trẻ em khiếm thị vừa mới lọt vào top 5 công trình xuất sắc trong chương trình 'Tri thức trẻ vì giáo dục'.
Trịnh Thu Thanh, đại diện cho nhóm tác giả của công trình Phát triển sách xúc giác cho trẻ em khiếm thị - Ảnh: THANH HẢI
Đó là thành quả của công trình Phát triển sách xúc giác dành cho trẻ em khiếm thị vừa mới lọt vào top 5 công trình xuất sắc trong chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2022".
Công trình sách xúc giác cho trẻ khiếm thị của nhóm tác giả Trịnh Thu Thanh và Nguyễn Thị Hằng, những nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đặc biệt quốc gia, mang lại ấn tượng cho hội đồng chấm chung khảo của chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2022. Đây là công trình được chấm mức điểm cao nhất trong năm công trình xuất sắc với mức điểm 996.
Phát huy nhiều nhất các giác quan
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, Trịnh Thu Thanh cho biết công việc của mình tiếp xúc với trẻ khuyết tật rất nhiều. Cô nhận thấy trẻ khiếm thị không hề biết đến các cuốn sách xúc giác. Điều đó thôi thúc cô và cộng sự lao vào dự án rất nhiều khó khăn.
Làm một cuốn sách xúc giác rất khó vì ngoài câu chuyện, còn thiết kế các hình ảnh may lên trang sách. Trẻ khiếm thị sẽ đọc sách bằng cách sờ. Kỹ năng sờ của trẻ càng phát triển thì khả năng hình dung để hiểu câu chuyện, hiểu những thông điệp từ cuộc sống qua trang sách càng lớn.
Nhóm của Thu Thanh phải bắt đầu nghiên cứu trong nhiều năm để hiểu được các mức về khả năng sờ của trẻ khiếm thị, từ đó thiết kế các sách khác nhau cho trẻ có trình độ khác nhau. Sau đó mới bắt tay vào làm cuốn sách tỉ mỉ và hoàn toàn thủ công.
"Trước chúng tôi chưa có ai ở Việt Nam nghiên cứu và làm sách xúc giác nên tài liệu liên quan ở Việt Nam không có. Chúng tôi phải tìm tài liệu của nước ngoài, dịch sang tiếng Việt. Việc tiếp cận, tổ chức thực nghiệm cũng gặp nhiều khó khăn do không phải phụ huynh nào cũng sẵn lòng đón tiếp" - chị Thanh chia sẻ.
Nếu tập trung toàn thời gian làm một cuốn sách xúc giác cũng cần hai tuần. Vì theo chị Thanh, sách xúc giác cần nhiều công đoạn: nội dung câu chuyện, thiết kế hình nổi, âm thanh, mùi hương...
Làm sao để trẻ phát huy được nhiều nhất có thể các giác quan khác nhau để cảm nhận thay cho đôi mắt. Nhưng để làm được điều đó cũng cần hiểu được khả năng sờ của trẻ, mức độ tới đâu làm tới đó và phân loại thành các loại sách cho các đối tượng khác nhau.
Phù hợp tâm lý trẻ
Mặc dù vậy, sách cho thiếu nhi nên vẫn phải đảm bảo phù hợp với tâm lý trẻ em của từng độ tuổi. Nhóm nghiên cứu tự viết truyện, hoặc chuyển thể từ các truyện thiếu nhi đã xuất bản.
Với việc chuyển thể, nhóm phải liên hệ tác giả để xin phép. Khi điều chỉnh nội dung để phù hợp với sách xúc giác, cũng phải được sự đồng ý của các nhà văn.
"Khi chuyển thể truyện Trái tim của mẹ, ở đoạn tác giả viết "Khi dừng đèn xanh, đèn đỏ, hai mẹ con ngước lên bầu trời nhìn những đám mây trắng bồng bềnh xếp thành hình trái tim" chúng tôi xin phép đổi thành "Khi dừng đèn xanh đèn đỏ, hai mẹ con nghe tiếng còi xe bim bim rộn rã".
Ở đoạn này chúng tôi gắn lên sách một chiếc còi đồ chơi. Khi trẻ sờ và ấn vào thì có tiếng còi xe vang lên. Chúng tôi phải cố tận dụng những chi tiết để có thể giúp trẻ phát huy các giác quan. Nhưng chỉ một chi tiết như thế cũng phải rất công phu, tỉ mỉ" - chị Thanh cho hay.
Một cuốn sách xúc giác như vậy có khoảng 5 - 10 trang, tùy theo sách cho độ tuổi nào. Sách dành cho trẻ khiếm thị, trẻ khiếm thị kèm theo các dị tật khác (tự kỷ, khuyết tật trí tuệ, điếc) nhưng trẻ bình thường và người lớn cũng có thể đọc sách. Đây là điểm cộng vì sẽ tạo ra một thói quen đọc sách cùng con của những phụ huynh có con khiếm thị.
Tìm sự cộng hưởng
5 năm vừa nghiên cứu, vừa thực nghiệm và làm sách, nhóm nghiên cứu và các tình nguyện viên mới chỉ làm được 50 cuốn sách xúc giác. "Dịch COVID-19 làm gián đoạn một thời gian. Nhưng cũng là do làm một cuốn sách phải rất tỉ mỉ và thủ công hoàn toàn nên không nhanh được.
Thời gian ấy mỗi khi Hà Nội cách ly phòng dịch là phải nghỉ, hết cách ly chúng tôi lại làm" - chị Thanh cho biết.
Khoảng 1 năm trở lại đây chị và nhóm nghiên cứu đã nghĩ đến việc tìm một sự "cộng hưởng" của cộng đồng.
Nhóm đã liên hệ với một số người điếc, hướng dẫn để họ giúp ở công đoạn may các hình, chi tiết gắn lên sách. Theo chị Thanh, người điếc rất khéo tay, họ có thể giúp cho nhóm nhân bản nhanh hơn. Nhưng sự giúp đỡ của họ chỉ ở khâu thi công.
Sách làm xong cần sử dụng để đánh giá, khi đó lại cần đến các phụ huynh. Chị Thanh nhớ lại thời kỳ đầu, nhiều người còn chưa quan tâm tới đối tượng trẻ khuyết tật.
Thậm chí cả cha mẹ của những đứa trẻ bị khiếm thị cũng né tránh khi nhóm nghiên cứu tiếp cận. Nhưng cứ kiên trì, mỗi ngày một ít, cuối cùng nhóm cũng phá bỏ được rào cản kỳ thị hoặc e ngại từ cộng đồng.
"Có những phụ huynh chứng kiến con đọc sách xúc giác và thay đổi mỗi ngày, họ cũng bắt đầu nghĩ khác đi và nhiệt tình tham gia hỗ trợ" - chị Thanh kể.
Trong tương lai chị Thanh chia sẻ chỉ mong ước có thêm sự giúp đỡ để làm càng nhiều càng tốt những cuốn sách như thế này. "Tôi chưa nghĩ đến làm sách giáo khoa hay đồ dùng phục vụ trực tiếp dạy học đâu.
Mà mới chỉ mong có thể tạo ra được một thư viện sách xúc giác, gồm những câu chuyện thiếu nhi như đã từng làm cho những đứa trẻ thiệt thòi" - chị Thanh nói.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành (vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD-ĐT):
Tăng ứng dụng sẽ lan tỏa
Về hàm lượng chất xám, tính ứng dụng thì các công trình top 5 đều tương đương nhau. Nhưng mỗi công trình sẽ có những điểm cộng riêng.
Ở công trình phát triển sách xúc giác cho trẻ tiểu học, chúng tôi đánh giá cao ở phương pháp mới lần đầu tiên triển khai ở Việt Nam.
Bên cạnh đó sự tỉ mỉ, công phu trong quy trình làm sách, cách nhóm nghiên cứu tạo ra một cộng đồng làm sách xúc giác và có thể lan tỏa để sau này chính những giáo viên dạy trẻ khuyết tật, phụ huynh cũng có thể tự làm sách cho trẻ.
"Tôi mong không chỉ công trình này mà các công trình được lựa chọn vào vòng chung khảo của chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục sẽ được sự hỗ trợ tiếp theo của các nhà đầu tư, nhà quản lý để tăng tính ứng dụng. Khi đó sự đam mê, nhiệt huyết và trí tuệ của các bạn trẻ sẽ được lan tỏa" - ông Thành chia sẻ.
Ông Trịnh Văn Hào (giám đốc marketing Tập đoàn Thiên Long):
Nhiều công trình đã được ứng dụng vào thực tế
"Tri thức trẻ vì giáo dục" ngày càng phát triển mạnh mẽ. Từ hơn 200 công trình của năm đầu tiên, năm nay có đã có hơn 1.555 ý tưởng của các trí thức trẻ trong và ngoài nước. Không chỉ gia tăng về số lượng mà chất lượng các công trình, ý tưởng ngày một nâng cao.
Nhiều người trẻ hiện nay có thể chọn làm điều nhẹ nhàng và ở trong những vỏ bọc an toàn nhưng họ đã chủ động làm chủ tri thức, hướng về giáo dục với tất cả sự nhiệt tâm và chăm chỉ, đây là điều đáng trân quý.
Năm nay, dù tuổi còn nhỏ nhưng các em học sinh trung học đã suy ngẫm về cách giáo dục đạo đức hiệu quả trong trường học, một nữ trí thức trẻ nhiều năm theo đuổi, phát triển sách xúc giác cho trẻ khiếm thị...
Chúng tôi thấy được sức mạnh nội lực của các tác giả trong từng công trình, thế giới bên trong của các bạn thật sự đủ lớn để cộng hưởng với sự thay đổi và phát triển không ngừng của xã hội hơn là bị tác động.
Các tác giả trình bày tại vòng chung khảo chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục - Ảnh: THANH HẢI
* "Tri thức trẻ vì giáo dục" chỉ thực sự có giá trị nếu các ý tưởng được ứng dụng vào thực tiễn. Ban tổ chức chương trình thúc đẩy hoạt động như thế nào?
- Chúng tôi cũng nhận định rằng khả năng ứng dụng vào thực tế là một trong số thước đo thành công của chương trình.
Mỗi năm, chương trình đều đầu tư ngân sách và tổ chức nhiều hoạt động kết nối các tác giả với các chuyên gia, doanh nghiệp để từng bước hoàn thiện, đưa ý tưởng vào thực tế.
Chương trình tạo điều kiện cho các tác giả giải phóng tiềm năng và kết nối nguồn lực, còn động lực lớn để nâng tầm các công trình xuất phát từ chính các tác giả.
Và thật đáng mừng, trong những năm qua có rất nhiều công trình của các tác giả được ứng dụng vào thực tế. Tập đoàn Thiên Long tin rằng giải quyết được vấn đề thì mới tạo ra giá trị mới - chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục đã và đang làm rất tốt điều này.