Người thầy truyền cảm hứng học lịch sử
QĐND Online - Nhiều năm gắn bó với công tác giảng dạy, TS Dương Thị Huyền, giảng viên Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên luôn trăn trở: “Làm thế nào để học sinh yêu, thích học lịch sử, tỏ tường gốc tích dân tộc Việt Nam”.
QĐND Online - Nhiều năm gắn bó với công tác giảng dạy, TS Dương Thị Huyền, giảng viên Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên luôn trăn trở: “Làm thế nào để học sinh yêu, thích học lịch sử, tỏ tường gốc tích dân tộc Việt Nam”.
Điều đó trở thành động lực thôi thúc giảng viên Dương Thị Huyền tìm tòi phương pháp dạy, học mới cho môn lịch sử. Năm 2020, với những kiến thức đã tích lũy cùng tình yêu với môn lịch sử, TS Dương Thị Huyền đã ra mắt công trình “Sử dụng phương pháp so sánh trong dạy và học Lịch sử ở trường phổ thông”. Đây là công trình tham dự chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2020 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức và hiện đang nhận được sự quan tâm của hàng nghìn độc giả trên mọi miền Tổ quốc.
Tình yêu với môn lịch sử
Hẹn gặp chúng tôi sau giờ giảng buổi chiều bận rộn, TS Dương Thị Huyền chia sẻ: “Trong những năm qua, chất lượng thi THPT của môn lịch sử khá thấp, thu hút sự quan tâm rất lớn của các bộ, ngành, phụ huynh học sinh và dư luận xã hội. Báo chí cũng nhiều lần lên tiếng trước hiện tượng thanh, thiếu niên Việt Nam có những lỗ hổng đáng lo ngại về kiến thức và cả nguồn cảm hứng tìm hiểu lịch sử”. Tuy nhiên, vốn là một người yêu thích lịch sử, từng học lớp chuyên sử thời THPT, hai năm cuối cấp được chọn tham gia thi học sinh giỏi Quốc gia môn lịch sử và quyết định gắn bó với môn lịch sử suốt đời, TS Dương Thị Huyền cho rằng, những con số và kết quả thiếu khả quan trên không có nghĩa là phần lớn học sinh đều “quay lưng” lại với môn lịch sử, thờ ơ với truyền thống của lịch sử dân tộc. Điều mấu chốt là, giáo viên phải giống như những “đại sứ” để lan tỏa tình yêu lịch sử đối với các thế hệ học sinh.
Bằng sự tâm huyết, tình yêu của mình dành cho môn lịch sử, chỉ sau một tháng, công trình của giảng viên Dương Thị Huyền cơ bản đã hoàn thành. Sau đó, giảng viên Dương Thị Huyền quyết định gửi công trình tham gia cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2020 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động. Và kết quả thật bất ngờ, chỉ trong vài ngày sau khi công trình của chị được đăng tải đã nhận được ý kiến phản hồi của hàng nghìn độc giả trên cả nước. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, phương pháp học lịch sử trình bày trong công trình chưa từng xuất hiện trong bất kỳ cuốn sách nào trên thị trường. Một số thầy cô giáo còn bày tỏ sự yêu quý bằng việc huy động học sinh THPT bình chọn cho công trình của chị. Điều đó là minh chứng sinh động chứng tỏ sức sống, cuốn hút đối với đề tài nghiên cứu của TS Dương Thị Huyền.Những ngày tháng 3-2020, trong dịp tạm nghỉ giảng dạy vì dịch Covid-19, TS Dương Thị Huyền quyết định dành toàn bộ thời gian đó cho việc nghiên cứu về phương pháp so sánh trong việc học, ôn thi môn lịch sử. Trong suốt 13 năm luyện ôn thi đại học cho học sinh, giảng viên Dương Thị Huyền đã nhiều lần đưa phương pháp so sánh vào giảng dạy và nhận được phản hồi rất tích cực ở phía người học. Chị nhận thấy phương pháp này kích thích khả năng tư duy, tìm tòi sáng tạo của học sinh. Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có công trình nào đi sâu, hệ thống một cách bài bản về phương pháp so sánh trong dạy, học lịch sử. Chính điều này đã thôi thúc TS Dương Thị Huyền hoàn thiện công trình nghiên cứu này. Vào một buổi khi đang miên man với những suy nghĩ, 2 giờ sáng, chị Huyền bật dậy ngồi vào bàn làm việc và những con chữ đầu tiên trong công trình “Sử dụng phương pháp so sánh trong dạy và học lịch sử ở trường phổ thông” được bắt đầu như thế.
Truyền cảm hứng cho thế hệ mai sau
Nói về môn lịch sử, TS Dương Thị Huyền cho biết: “Trong khoa học lịch sử không một sự kiện, hiện tượng lịch sử nào tồn tại độc lập mà luôn được đặt trong mối tương quan với sự kiện, hiện tượng lịch sử trong thời gian đó hoặc trong mối tương quan với các quốc gia khác hay trong bối cảnh chung của lịch sử thế giới. Do đó, tôi đã sử dụng phương pháp so sánh để thấy được mối liên hệ giữa các sự kiện, hiện tượng lịch sử. Phương pháp nghiên cứu so sánh đã vạch ra những điểm chung, đặc thù trong các hiện tượng lịch sử, trình độ và xu hướng phát triển của các hiện tượng ấy”.
Trong những kỳ thi THPT Quốc gia gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuyển từ hình thức thi lịch sử từ tự luận sang thi trắc nghiệm khách quan với 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. Trong đó, những câu hỏi so sánh thường thuộc nhóm những câu hỏi vận dụng thấp và vận dụng cao. Trong đề thi THPT Quốc gia môn Lịch sử năm 2019, mã đề 301 có 11 câu hỏi so sánh lịch sử. Đây là nhóm câu hỏi có tác dụng rất lớn trong phân loại học sinh. Những câu hỏi này đòi hỏi học sinh phải có khả năng tư duy và có cái nhìn khái quát về các sự kiện đó mới có thể chọn được phương án trả lời đúng nhất.Đối với việc giảng dạy lịch sử ở trường phổ thông, phương pháp so sánh giúp giáo viên hệ thống hóa kiến thức trong sự liên hệ hữu cơ. Đây cũng là phương pháp để mỗi bài giảng của giáo viên là một lần sáng tạo, thăng hoa, kích thích sự tò mò, hấp dẫn học sinh. Thực tế này được chị Huyền rút ra từ kinh nghiệm của bản thân, chị thấy rất hứng thú với việc tự ra đề, tự nghĩ các vấn đề so sánh. Mỗi lần vận dụng phương pháp so sánh, chị phải nghiên cứu kỹ, nắm chắc kiến thức của mỗi sự kiện, hiện tượng lịch sử. Sau đó, tìm ra sự liên hệ của sự kiện, hiện tượng lịch sử đó với các sự kiện lịch sử khác, trên cơ sở đó, chị hướng dẫn học sinh tiến hành so sánh.
Chính vì vậy, cho ra đời công trình “Sử dụng phương pháp so sánh trong dạy và học lịch sử ở trường phổ thông” TS Dương Thị Huyền hướng đến việc giúp học sinh không bị nhầm lẫn giữa các sự kiện, hiện tượng lịch sử này với sự kiện khác. Học sinh rèn luyện được tư duy, khả năng khái quát, tổng hợp cao. Thông qua việc nắm kiến thức của sự kiện này có thể hiểu được quy luật phát triển của lịch sử.
Để hoàn thành công trình, giảng viên Dương Thị Huyền đã khảo sát rất kỹ Bộ đề thi THPT Quốc gia năm 2017, 2018, 2019 cũng như đề thi chọn học sinh giỏi Quốc gia, đề thi chọn học sinh giỏi của một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Tác giả đã trình bày một cách chi tiết và cụ thể những điểm tương đồng và khác biệt của các sự kiện, hiện tượng lịch sử trong công trình. Đây chính là nguồn tài liệu quan trọng giúp giáo viên và học sinh có được cái nhìn đa chiều về các sự kiện, hiện tượng lịch sử vốn đã không còn xa lạ.
Chia tay chúng tôi, chị Huyền cho biết thêm, dựa trên cơ sở của công trình, chị sẽ tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện và nâng cấp để góp một phần nào đó trong việc khơi gợi sự hứng thú với các em học sinh đam mê môn lịch sử. TS Dương Thị Huyền mong rằng: “Công trình sẽ đến được với giáo viên và học sinh trên mọi miền Tổ quốc, thắp lên tình yêu và ngọn lửa đam mê với lịch sử dân tộc, với quê hương, đất nước và con người Việt Nam”.