TIẾP SỨC MÙA THI: NƠI KẾT NỐI TRIỆU TRÁI TIM YÊU THƯƠNG.
Hơn cả một chương trình cộng đồng, trong suốt 18 năm qua, Tiếp sức mùa thi còn là nơi để những trái tim yêu thương luôn rộng mở, là nơi để những cánh tay nối mãi không ngừng và là nơi lưu giữ kỷ niệm đẹp nhất tuổi thanh xuân.
Nhiều năm trước đây, sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì hàng trăm nghìn sĩ tử trên cả nước lại ồ ạt đổ về các thành phố lớn để tham dự kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học. Đa số các thí sinh và phụ huynh ở tỉnh gặp rất nhiều khó khăn và bỡ ngỡ khi lần đầu đặt chân đến thành phố, cũng như áp lực trước một kỳ thi mang tính chất quyết định.
Trước những thực tế đó, năm 1997 một chương trình “Hỗ trợ thí sinh đi thi Đại học” đã ra đời nhằm giúp đỡ các sĩ tử xa nhà. Đến năm 2001, 4 đơn vị là Bộ Giáo Dục Đào Tạo, Trung Ương Hội Sinh Viên Việt Nam, Báo Thanh Niên đã phối hợp cùng Tập đoàn Thiên Long nhân rộng mô hình và tổ chức chương trình với tên gọi chính thức là "Tiếp Sức Mùa Thi" toàn quốc.
Trải qua 18 năm kể từ ngày bắt đầu sứ mệnh của mình, Tiếp sức mùa thi không chỉ là cầu nối giúp các sĩ tử vững tin trên hành trình chinh phục tri thức, mà còn là nơi kết nối những trái tim yêu thương.
"18 năm trước, chúng tôi và các đơn vị đồng hành đã góp sức mang Tiếp sức mùa thi đến với cộng đồng, cộng đồng đã đón nhận và chung tay với chúng tôi. Từ những bác xe ôm, những cô hàng nước, những chủ nhà trọ, quán cơm, những học sinh, sinh viên, cho đến những tổ chức, cơ quan tất cả đã đồng lòng góp sức để tạo nên một hành trình đến với tri thức đầy yêu thương và nhân ái. Thế nên giờ đây, mong muốn của chúng tôi là làm cho chương trình này ngày càng lớn mạnh, để sức mạnh của tri thức, của tình yêu thương, của sự chia sẻ lan tỏa mạnh mẽ trên đất nước mình" - Ông Nguyễn Đình Tâm- CEO Tập đoàn Thiên Long cho biết.
Nụ cười và giọt nước mắt
18 năm - gần một phần ba đời người, với biết bao thăng trầm, gian khó từ những ngày đầu thiếu thốn đến khi chương trình đã thành dấu ấn trong lòng mỗi thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam. Biết bao thế hệ học trò 8x, 9x rồi đến 2k đã nhận được sự giúp đỡ tận tâm của Tiếp sức mùa thi để rồi chính họ sau này cũng trở thành tình nguyện viên giúp đỡ lớp đàn em.
Nếu đời người là một cuốn phim, thì có lẽ quãng đời sinh viên là những thước phim sôi động nhất. Khi còn trẻ, chúng ta có rất nhiều sự lựa chọn, riêng với những tình nguyện viên của Tiếp sức mùa thi, họ chọn được san sẻ một phần thanh xuân của mình cho cộng đồng. Tham gia tiếp sức cho sĩ tử không hề là một chuyến đi chơi. Vất vả, cực khổ nhưng cũng vui lắm! Đôi khi vui đến rơi nước mắt.
Gắn bó với chương trình từ những năm đầu, anh Hoàng Hải Đăng (cựu tình nguyện viên) nhớ lại những ngày đầu còn nhiều thiếu thốn: "Trước đây các cơ sở vật chất chưa được xây dựng nhiều, đường hầu như sỏi đá trời mưa thì rất dơ. Năm 2003, điểm trực ở Bến xe Miền Đông chỉ có chỗ che tạm là một cái quán nhỏ, xập xệ bị bỏ hoang từ lâu. Còn tại Bến xe Chợ Lớn, sinh viên phải đứng ngoài cổng, khi trời mưa nước và rác dồn ứ rất nhiều. Ngày trước sinh viên chỉ được hỗ trợ đồng phục, còn lại tự túc cơm nước, di chuyển nhưng anh em không sợ khó, sợ khổ mà cảm thấy rất vui vì làm được những việc có ích".
Chị Nguyễn Thị Thanh (cựu tình nguyện viên) tâm sự: "Vào cao điểm của mùa thi có khi tụi mình phải ngủ tại bến xe 5 - 6 ngày liền, chỉ kịp về nhà tắm rửa rồi lại đi xe bus đến bến xe để trực, rồi phải sắp xếp thời gian học tập trên trường nữa. Nắng, bụi, có những hôm mưa dầm, vất vả nhưng vui lắm, vui vì gặp gỡ được nhiều bạn mới, được giúp đỡ những em thí sinh, mỗi lời cảm ơn lại tiếp thêm sức lực để tụi mình cố gắng".
Mỗi mùa thi đi qua để lại trong lòng mỗi thành viên vô vàn những kỷ niệm, vui nhiều, buồn cũng không ít. "Năm 2005, khi đó mình là đội trưởng của đội sinh viên tình nguyện Bến xe Chợ Lớn. Ngày nọ có một bạn thí sinh tên Hương (quê Hà Tĩnh) tìm ở nhà người thân là bác họ. Ngày Hương đi đến trường làm thủ tục dự thi thì lạc vào bến xe buýt Chợ Lớn, em không nhớ địa chỉ nhà, cũng như không mang theo giấy tờ và điện thoại. Mất bình tĩnh Hương oà khóc nức nở, vì không nhớ được nhà bác họ ở địa chỉ nào, khu vực quận nào. Dựa vào những hình ảnh ít ỏi mà Hương nhớ được: đi ngang xí nghiệp ô tô Mercedes, với chiếc xe đạp cọc cạch, dưới trời mưa rất to, mình đã lần theo những con đường trên quận Gò Vấp để tìm nhà. Sau nửa ngày đội mưa, vòng vèo khắp các ngõ hẻm trên đường Quang Trung, cuối cùng tìm được nhà bác họ của Hương" - anh Hải Đăng kể lại.
Đôi lúc các tình nguyện viên buồn lòng vì những lời chỉ trích, chê bai rằng "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng", hay "rảnh quá sao không ở nhà phụ cha phụ mẹ, mà ra đường làm màu", "đám đó tụ lại chơi bời là chính"...Nhưng phải trải qua những cảm xúc ấm áp của tình người giữa phố thị bon chen, bạn mới trân quý những giúp đỡ dù giản đơn nhất.
Tôi tin rằng dù ngày hôm nay Hải Đăng, Thanh hay rất nhiều tình nguyện viên đã rẽ sang một con đường mới, có một cuộc sống riêng nhưng đâu đó trong trái tim vẫn lưu giữ những kỷ niệm tuyệt vời của ngày tháng tiếp sức mùa thi - những tháng năm đẹp nhất tuổi thanh xuân.
Một cây làm chẳng nên non, nếu chỉ có Ban tổ chức, nhà tài trợ và những bạn sinh viên thì không thể nào giúp Tiếp sức mùa thi hoàn thành tốt sứ mệnh của mình. Đồng hành cùng chương trình còn có rất nhiều cơ quan đoàn thể, tổ chức và cả những chú xe ôm, những cô chú hỗ trợ phòng trọ...mỗi cánh tay chung sức đều vô cùng đáng trân trọng.
Cô Nguyễn Thị Huệ là một gương mặt quen thuộc với chương trình, nhiều năm liền hỗ trợ hàng trăm thí sinh ăn, ở miễn phí tại nhà. Cô Huệ tâm sự: "Từ năm 2007 cô đã bắt đầu đi tìm kiếm những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ, nhưng một mình cô thì làm không nổi. May mắn có mấy bạn sinh viên bên Tiếp sức mùa thi qua giúp, rồi đưa thí sinh qua ở nên cô đã giúp được nhiều hoàn cảnh hơn".
Cô Huệ vẫn nhớ hoài cậu học trò đi thi một thân một mình, lầm lũi. Đến ngày thi xong cậu xin cô một tấm ảnh làm kỷ niệm, cô ngạc nhiên hỏi đi hỏi lại vì sao lại muốn xin hình, thì cậu học trò đáp: "Dạ! Vì con không có mẹ!". Giúp được những em học trò chăm ngoan như vậy, hơn ai hết cô Huệ cảm thấy công sức của mình thật xứng đáng.
Hành trình dài chinh phục những đỉnh cao
Bạn Nguyễn Thị Trâm (Sinh viên đại học Luật TP.HCM) chia sẻ: "Lần đầu tiên bước đến một thành phố lớn, không một người thân để nương tựa, không biết đường xá, cũng chẳng biết làm thế nào để băng qua đường khi dòng người xe cứ nối đuôi nhau không một điểm dừng, em thật sự rất hoang mang. Nhưng nhờ sự nhiệt tình, thân thiện của các anh chị sinh viên, được các anh chị chỉ dẫn từng chút một, em cũng phần nào vơi đi nỗi lo lắng. Em tự tin hơn để bước vào phòng thi, vì biết rằng khi bước ra sẽ luôn có người mỉm cười với mình".
Không biết có bao nhiêu lời cảm ơn đã được nói ra, nhưng rõ ràng Tiếp sức mùa thi đã làm tốt nhiệm vụ hỗ trợ thí sinh trong mùa thi, bên cạnh đó còn là chỗ dựa tinh thần cho biết bao bạn trẻ xa nhà.
Trải qua 18 năm, chương trình đã có nhiều bước phát triển vượt bậc, trở thành niềm tin vững chắc trong lòng phụ huynh và học sinh trên toàn quốc. Nếu năm đầu tiên Tiếp sức mùa thi chỉ tổ chức tại 7 điểm thi lớn trên cả nước là: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Định với 625 tình nguyện viên tham gia, thì đến khoảng 10 năm sau chương trình đã phát triển trên phạm toàn quốc tại 63/63 tỉnh, thành phố. Cả nước thành lập được hàng ngàn đội hình thanh niên tình nguyện "Tiếp sức mùa thi" với hàng vạn tình nguyện viên tham gia và không ngừng tăng lên vào những năm sau.
Ông Nguyễn Đình Tâm (CEO Tập đoàn Thiên Long) từng chia sẻ về ý nghĩa nhân văn của Tiếp sức mùa thi: "Các thí sinh của chúng ta có tri thức, sự cần cù và quyết tâm, các gia đình có sự ủng hộ, có niềm tin và khát vọng lớn lao cho con em mình, nếu thêm xã hội đồng lòng sẻ chia, giúp sức, thì không có khó khăn nào không thể vượt qua, không có đỉnh cao nào không thể vươn tới. Và đó là lý do chúng tôi luôn tự hào được đồng hành cùng Tiếp sức mùa thi, cũng như nhiều chương trình nhân văn như thế với tâm nguyện mang "Sức mạnh tri thức" để phát triển cộng đồng xã hội".
Thật vậy, đi một chặng đường dài để thấy rằng làm một việc tử tế không hề giản đơn, càng không thể "hái quả ngọt" trong một sớm một chiều. Đó là sự nỗ lực của rất nhiều con người, luôn âm thầm vì tương lai đất nước. Một hai cánh tay chắc chẳng làm nên điều gì, nhưng rất nhiều cánh tay cùng nắm chặt sẽ tạo nên kỳ tích, như điều tuyệt vời mà Tiếp sức mùa thi đã làm nên suốt 18 năm qua.
Nguồn: Kenh14 – Thiên Long Tiếp Sức Mùa Thi 2019