Nữ giáo viên người La Hủ - “Kĩ sư tâm hồn” vùng biên giới Tây Bắc
(CTG) Công tác ở nơi xa xôi và gian khó, chồng bộ đội thường xuyên xa nhà, một mình phải chăm hai con nhỏ, cô giáo dân tộc La Hủ Vàng Ha De (SN 1990, Trường mầm non Bum Tở, xã Bum Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) vẫn bền bỉ giữ tròn trọng trách “kĩ sư tâm hồn” cho trẻ em miền biên viễn suốt gần 9 năm qua.
Sinh ra trong gia đình đông anh em ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, bố mẹ đều làm nghề nông nên từ nhỏ, cô Vàng Ha De đã quyết tâm học tập để giúp đỡ gia đình có cuộc sống tốt hơn sau này và góp phần giúp quê hương thoát nghèo.
Cô giáo Vàng Ha De trong ngày khai giảng của Trường mầm non Bum Tở
Năm 2011, sau khi ra trường, may mắn hơn nhiều bạn cùng trang lứa, cô được về quê hương, công tác tại Trường mầm non Bum Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Điều này cũng tạo thuận lợi giúp cô vừa được gần gũi gia đình, vừa có cơ hội để đóng góp cho mảnh đất đã nuôi dưỡng cô nên người.
Với ưu thế là người bản địa, hiểu ngôn ngữ, phong tục tập quán, cô De nhanh chóng làm quen, gần gũi, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, học sinh để giúp ích cho việc trao đổi giữa cha mẹ học sinh và nhà trường nhằm đảm bảo chất lượng chăm sóc nuôi dạy trẻ.
Tuy vậy, con đường giáo dục ở miền biên viễn của cô không phải lúc nào cũng trải hoa hồng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi cô sinh sống và công tác còn nhiều thiếu thốn, trình độ nhận thức của họ gặp nhiều hạn chế, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số như người La Hủ. Điều này dẫn đến một số phụ huynh chưa thật sử hiểu và quan tâm đến công tác chăm sóc giáo dục trẻ ở độ tuổi mầm non. Thậm chí, nhiều người còn bày tỏ sự thiếu cảm thông và không ủng hộ hoạt động giáo dục do có quan điểm sai lệch về nghề giáo viên, cho rằng nghề giáo rất nhàn hạ, đặc biệt là giáo viên mầm non bởi kiến thức chỉ cần biết in ít lại được nghỉ thứ 7, chủ nhật.
Để lo cho các cháu từng bữa ăn, giấc ngủ mỗi giáo viên mầm non phải chịu rất nhiều áp lực về thời gian và trách nhiệm khi xử lý tình huống của các cháu như: trẻ quấy khóc, quấy phá, trẻ không chịu ăn, không chịu ngủ… Mỗi giáo viên mầm non phải làm không ngừng nghỉ từ sáng đến chiều. Trường mầm non Bum Tở tuy gần thị trấn nhưng vào mùa mưa, giao thông đi lại khó khăn, một số cơ sở chưa có đường bê tông vào bản, lớp học ở một số điểm bản còn là nhà gỗ mùa hè nắng nóng, mùa đông thì lạnh nên cũng ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ tại lớp.
“Những năm đầu tiên vào nghề, tỷ lệ chuyên cần của trẻ chưa cao, có những ngày thứ 7, chủ nhật, tôi phải lên tận nương cách bản mấy cây số để tìm học sinh. Ngoài ra, vì thiếu thốn dụng cụ tổ chức các hoạt động cho trẻ, tôi đã phải thu gom, vệ sinh, chế tạo đồ dùng, đồ chơi cho các con từ những phế liệu thải.” – cô Vàng Ha De hồi tưởng lại.
Cô giáo Vàng Ha De cho các em học sinh tham gia hoạt động tại lớp
Công tác ở trường vất vả là vậy, về nhà, cô phải một tay chăm lo cho hai con nhỏ do chồng làm bộ đội phải thường xuyên xa nhà, ông bà nội ngoại cũng không ở gần. Cô luôn phải tình toán, sắp xếp thời gian thật hợp lý để đảm bảo công việc và chăm sóc gia đình.
Không giấu nổi niềm xúc động, cô Vàng Ha De chia sẻ: “Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong công tác nhưng với tình yêu nghề, yêu trẻ và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi sẽ biến những khó khăn thách thức đó thành động lực, là sức mạnh để bản thân không ngừng cố gắng. Mỗi ngày đến trường chỉ cần bắt gặp những nụ cười hồn nhiên đáng yêu của các cháu, tôi luôn tự nhủ với bản thân rằng mình sẽ làm tốt mọi nhiệm vụ do cấp trên giao phó, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng tất cả vì các cháu học sinh thân yêu.”
Với những đóng góp của mình cho ngành giáo dục địa phương, cô De đã vinh dự nhận Bằng khen của UBND tỉnh Lai Châu, danh hiệu “Lao động tiên tiến” nhiều năm liền.
Đặc biệt, dịp này, cô De là 1 trong 63 giáo viên được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.
Đây là chương trình nhằm tôn vinh và tri ân các giáo viên người dân tộc thiểu số đã có đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm.
Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh các thầy giáo, cô giáo là người dân tộc thiểu số có quy mô dân số dưới 10.000 người; giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; giáo viên có thời gian giảng dạy lâu năm; giáo viên trẻ tình nguyện lên vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn dạy học.
Chương trình sẽ được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (8 Huỳnh Thúc Kháng, Q. Đống Đa, Hà Nội) vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.