Những tấm gương tiêu biểu tận tụy với học trò
Tại buổi gặp mặt 58 giáo viên được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh đánh giá các thầy cô là những tấm gương tiêu biểu tận tụy với học trò.
Chiều 16.11, tại Hà Nội, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã gặp mặt 58 giáo viên được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023, do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN phối hợp với Bộ GD-ĐT, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Chủ trì buổi gặp có bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT; anh Nguyễn Kim Quy, Phó chủ tịch thường trực T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN.
Chương trình đã trở thành thương hiệu
Đánh giá cao chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô", bà Ngô Thị Minh nhấn mạnh: "Chương trình được tổ chức bài bản, qua 8 năm đã chọn được 458 thầy cô để đồng hành. Năm nay có 58 thầy cô được bình chọn, tuyên dương. Chương trình đã trở thành thương hiệu, trong đó có vai trò rất lớn của Hội Liên hiệp Thanh niên VN". Bà Ngô Thị Minh cũng đánh giá cao sự đồng hành của Tập đoàn Thiên Long trong suốt thời gian qua và sáng kiến tổ chức chương trình của Hội Liên hiệp Thanh niên VN.
Đặc biệt, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhiệt liệt biểu dương sự cống hiến của thầy cô giáo được tuyên dương trong chương trình. "Trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, bao giờ cũng gặp nhiều khó khăn, cần sự tận tâm, tận tụy của thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Các thầy cô đã tích cực rèn luyện, cống hiến, không quản ngày đêm vì đàn em thân yêu", bà Minh nói.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng cho biết có nhiều thầy cô khó khăn nhưng vẫn tận tâm với nghề, yêu thương, sẻ chia vì học sinh. "Các thầy cô đều vượt qua khó khăn, khắc phục mọi điều kiện, vươn lên, bám trường, bám lớp và bám sát mục tiêu đề ra để dạy dỗ các học sinh thành con ngoan trò giỏi, đem con chữ đến những vùng khó khăn. Các thầy cô là những tấm gương tiêu biểu, có lòng yêu thương tận tụy với học trò...", bà Minh ghi nhận.
Chúc mừng thành tích mà các thầy cô đã đạt được, bà Minh cho biết nhiều thầy cô không chỉ là giáo viên dạy giỏi mà còn tham gia công tác Đoàn, Đội để giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh thiếu niên nhi đồng, nhất là trên không gian mạng. Bà Minh mong thầy cô đã cố gắng càng cố gắng hơn, để vượt qua khó khăn, thách thức, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.
Nhiều mô hình sáng tạo vì học sinh
Tại buổi gặp mặt, các thầy cô giáo chia sẻ những mô hình, giải pháp hay và những điều còn khó khăn trong quá trình giảng dạy.
Là giáo viên nhiều tuổi nhất được tuyên dương trong chương trình, cô giáo Nguyễn Thị Ngà (53 tuổi), công tác tại Trường tiểu học An Quang (H.An Lão, Bình Định), chia sẻ cô có thời gian công tác 32 năm 9 tháng, trong đó 24 năm công tác ở vùng sâu, vùng xa. Có nhiều khó khăn cô đã trải qua như phải cõng học sinh qua suối để đến trường, nhưng thời đó qua rồi vì bây giờ đường sá đã được quan tâm đầu tư nhiều hơn.
Khó khăn lớn nhất vẫn là rào cản ngôn ngữ tiếng Việt của học sinh dân tộc thiểu số. Cô Ngà đã tận dụng mọi phương tiện, điều kiện để dạy tiếng Việt cho học sinh và mong rằng các cấp, các ngành quan tâm nhiều hơn, để các em vùng sâu, vùng xa tiến kịp vùng xuôi. Đồng thời, cô Ngà cũng cho biết được tôn vinh trong chương trình đã trở thành "món quà vô giá", "dấu son lớn" trên chặng đường của mình. Cô sẽ luôn cố gắng, tận tâm tận lực vì các em vùng sâu, vùng xa.
Tại buổi gặp, nhiều giáo viên làm tổng phụ trách Đội cũng chia sẻ những mô hình sáng tạo khuyến khích các em học tập.
Thầy Nguyễn Giang Nam (45 tuổi), giáo viên Tổng phụ trách Đội (Trường PTDTBT - THCS xã Đăk Long, H.Đăk Glei, Kon Tum), cho biết để khuyến khích học sinh đi học, thầy đã thực hiện mô hình tặng ngôi sao cho những em chăm ngoan để tích lại đổi quà. Quà tặng như bút, vở, cặp sách và lớn nhất là chiếc xe đạp, được thầy mua từ tiền thu gom và bán phế liệu. Đồng thời, do ở miền núi rất thiếu nơi vui chơi nên thầy tìm mọi vật liệu bỏ đi, tái chế tạo đồ chơi để các em được vui chơi, trải nghiệm ngay tại trường. Những việc làm đó đã tạo động lực để các em thích đến trường và nỗ lực học tập.
Tuy nhiên, thầy Nam chia sẻ, làm công tác phụ trách Đội rất vất vả, có khi phải làm tất cả công việc liên quan đến học sinh hằng ngày, nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức. "Chúng tôi vẫn nói vui với nhau làm "tổng" nhưng làm "phụ" và hay bị "trách", thầy Nam tâm sự.
Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Vân (40 tuổi), giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Tân Thành (TP.Đồng Xoài, Bình Phước), cũng cho biết ở trường cô giảng dạy có nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhiều học sinh do bố mẹ ly hôn nên các em không có hạnh phúc, thiệt thòi trong cuộc sống. Đặc biệt, trong bối cảnh các em tương tác nhiều trên mạng, giáo viên, tổng phụ trách phải có nhiều chương trình giáo dục kỹ năng sống để các em kết nối với nhau, với giáo viên, gia đình. "Tuy nhiên, chế độ với giáo viên làm tổng phụ trách Đội thì hơi buồn, hơi tủi thân. Chúng tôi vẫn phải đứng lớp như giáo viên khác và còn phải dạy kỹ năng nhiều, nhưng chưa được quan tâm đúng mức", cô Vân chia sẻ.
Một số thầy cô giáo cũng chia sẻ về việc giáo viên dạy các môn như tin học hay giáo viên bộ môn dạy lớp ghép phải kiêm nhiệm nhiều việc, nhưng không được giảm tiết dạy và không được hưởng chế độ như hướng dẫn của Bộ GD-ĐT…
Kết thúc buổi gặp, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết luôn chia sẻ, tiếp thu ý kiến của thầy cô; ghi nhận những nỗ lực, vất vả, cố gắng của các thầy cô làm tổng phụ trách Đội. Bà Minh đề nghị tổ chức Đoàn, Hội, Đội cần tiếp tục tham mưu, cụ thể hóa tiêu chí để có chính sách phù hợp hơn cho giáo viên làm tổng phụ trách Đội. Đối với các ý kiến về chưa thực hiện chính sách đã có, bà Minh cho biết sẽ có văn bản nhắc nhở, chỉ đạo các địa phương để thực hiện đồng bộ hơn.
Tại buổi gặp mặt, Bộ GD-ĐT đã tặng bằng khen cho các giáo viên được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023.
Ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Tập đoàn Thiên Long, cho biết: "Là đơn vị đồng tổ chức, Thiên Long thật sự rất hạnh phúc vì chương trình ngày càng được lan tỏa sâu rộng và được sự ủng hộ ngày càng mạnh mẽ của xã hội. Trước khi tuyên dương, chúng tôi có những chuyến đi thăm và lắng nghe, cảm nhận được hành trình vượt gian khó, sự yêu quý học trò, sự tận tâm với nghề giáo của quý thầy cô. Từ đó, chương trình có những hỗ trợ thiết thực cho quý thầy cô về vật chất và tinh thần. Đặc biệt, chương trình năm nay đẩy mạnh hoạt động truyền thông để lan tỏa những câu chuyện đẹp, nhân văn, đầy cảm hứng của quý thầy cô đến với học sinh, giới trẻ. Và truyền đi thông điệp "vì hành trình học hỏi trọn đời".