NHỮNG CÔ GIÁO DÂN TỘC THIỂU SỐ “GIEO MẦM” TRÊN ĐỈNH NÚI

Ngày : 01-11-2020

TTTĐ - Họ là những cô giáo người dân tộc thiểu số Bố Y, Mường, Dao đang ngày đêm vượt rừng sâu núi cao, miệt mài gắn bó với học sinh. Sự hy sinh thầm lặng ấy đã góp công sức không nhỏ vào sự phát triển của ngành giáo dục nói chung và giáo dục miền núi nói riêng.

Bài 1: Người “cắm bản” Dìn Chin

Đi đến tận nơi, tận mắt chứng kiến và cảm nhận giữa bốn phía núi rừng, mới thấm thía sự vất vả của giáo viên “cắm bản” tại huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Thiếu thốn trăm bề, nhất là nước sinh hoạt nhưng càng trải qua khó khăn, khắc nghiệt, cô Lồ Thị Lan (dân tộc Bố Y) càng thương yêu học trò và đồng bào nơi đây.

Hứng từng giọt nước…

Cô Lồ Thị Lan, sinh năm 1990, quê ở huyện Mường Khương, vùng đất biên viễn khô khát nhất tỉnh Lào Cai, với bốn mùa ngút ngàn sương mây gió lạnh, đa số các bản làng thiếu nước sinh hoạt. Ở đây chủ yếu là người Mông sinh sống, sản xuất nông, lâm nghiệp, kinh tế khó khăn nên vẫn còn đó nhiều hoàn cảnh đói nghèo, trẻ em thiệt thòi.

1334_co-giao-din-chin-1

Cô Lồ Thị Lan

Sinh ra và lớn lên tại nơi này, Lồ Thị Lan thấu hiểu đặc thù hoàn cảnh cũng như nỗi niềm của người dân tộc thiểu số. Gia cảnh khó khăn, ngay từ nhỏ, Lồ Thị Lan vừa đi học vừa lên nương, chăn trâu, giúp bố mẹ làm việc nhà. Dù vất vả và sống trong xung quanh các bạn đồng trang lứa thường bỏ học giữa chừng hoặc không đến trường nhưng Lồ Thị Lan vẫn không nhụt chí theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo đứng trên bục giảng, gieo hạt giống tâm hồn cho con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Lý tưởng đó là động lực thôi thúc cô gái 9X nỗ lực học tập, rèn luyện từng ngày. Tốt nghiệp cấp 3, cô Lồ Thị Lan tiếp tục học tập tại trường Cao đẳng Sư phạm Sơn La và quyết tâm biến ước mơ thành hiện thực. Tháng 9/2011 ra trường, Lồ Thị Lan được nhận quyết định công tác tại trường Tiểu học Dìn Chin, xã Din Chin - một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Mường Khương.

Cô Lồ Thị Lan cho biết: "Dìn Chin rất khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, đặc biệt là nước sinh hoạt. Đối với tôi, nước ở nơi đây được coi như “vàng"". Sáng sớm hoặc sau buổi chiều tan lớp, cô Lan cùng với đồng nghiệp và học trò lại chuẩn bị can, đòn gánh để đi lấy nước về phục vụ sinh hoạt. Gọi là đi lấy nước nhưng thực tế họ phải hứng từng giọt.

“Dường như mỗi can nước là một phép thử về sự kiên nhẫn, bởi phải chờ đợi, xếp hàng. Có hôm, tôi phải chờ 2 tiếng đồng hồ mới đến lượt mình để lấy được 2 can nước về, vì cả thôn chỉ có một nguồn nước rất nhỏ, nước chảy ít và chậm. Nhiều người phải mang can ra đợi đến đêm hứng nước.

1338_co-giao-din-chin-2

Cô Lồ Thị Lan cùng học trò

Cách nguồn nước này không xa vẫn có các khe nước khác nhưng ngặt nỗi để lấy được nước phải đi qua đường đá lởm chởm, dốc cao, sức người không nổi, có khi mang về đến nhà thì đã bị rơi vãi, đổ hết”, cô Lan kể.

Thiếu nước, mọi sinh hoạt của các thầy cô giáo, học sinh ở đây gặp nhiều khó khăn. Cô Lan luôn dặn dò các em học sinh phải sử dụng nước hết sức tiết kiệm, dùng nước vo gạo để rửa rau, dùng nước rửa rau để rửa bát... Mỗi khi trời mưa, thầy cô giáo và đàn em nhỏ ở đây vui khôn xiết. Họ rủ nhau ra ngoài hứng nước mưa để dùng, có khi mang quần áo ra để giặt giũ và rửa bát đũa.

“Mặc dù sống trong điều kiện khó khăn như vậy nhưng tôi rất vui. Tôi cảm thấy ấm áp khi đồng nghiệp bao bọc nhau như anh em trong gia đình, luôn hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ mọi việc với nhau”, cô Lồ Thị Lan trải lòng.

Ai cũng nhận phần dễ, khó khăn để cho ai!
Học sinh trường Tiểu học Dìn Chin đều là người dân tộc thiểu số, hạn chế về ngôn ngữ, tiếng phổ thông nên giữa cô, trò gặp rất nhiều khó khăn khi giao tiếp. Trong quá trình công tác, cô Lồ Thị Lan vừa dạy cũng vừa học tiếng dân tộc Mông từ các em học sinh. Mỗi khi bắt đầu năm học mới, các thầy, cô phải cất công tìm đến tận nơi để vận động phụ huynh học sinh cho con em đến trường. Huy động đủ số lượng chưa phải đã xong việc mà còn phải giữ chân để các em không bỏ học giữa chừng, theo bố mẹ lên nương.

2254_co-giao-din-chin-21

Tuy nhiên, không phải vì thế mà cô giáo trẻ nản lòng. Cô Lồ Thị Lan cho biết, chính cô cũng là người dân tộc thiểu số, con của bản làng nên rất hiểu những khó khăn đặc thù. Chính vì không muốn học sinh bị mù chữ, tương lai phải gắn bó cả đời với nương rẫy, đói nghèo nên cô Lan chấp nhận khó khăn để dạy chữ cho các em.

1331_cogiao-din-chin-4

Những nụ cười hồn nhiên, ánh mắt trong trẻo, tiếng đọc bài ê, a của học trò là động lực để cô giáo "cắm bản"

Cô giáo 9X bộc bạch: “Mỗi lần gặp khó khăn, tôi lại nghĩ rằng, ai cũng nhận phần dễ thì khó khăn để cho ai. Mỗi lần lên lớp nhìn những gương mặt ngộ nghĩnh, ngơ ngác của học trò, tôi vừa thấy tội, thương cảm và càng yêu nghề hơn. Bao khó khăn, vất vả như tan biến hết khi mình có thể mang cái chữ đến bản làng.

Đã chọn nghề giáo, tôi chỉ mong được góp chút sức nhỏ trong việc đặt những nấc thang đầu tiên cho một thế hệ mới. Vì vậy, còn gì vui hơn nếu hạt giống gieo trồng đơm hoa kết trái. Thầy cô giáo nào cũng hạnh phúc và cảm thấy ấm áp khi học sinh biết đọc, biết viết, biết tính toán, trở thành người tử tế. Bấy nhiêu thôi cũng đủ làm tôi ấm lòng”.

Công tác tại trường Tiểu học Dìn Chin được 9 năm và nay cô Lồ Thị Lan được chuyển tới trường Tiểu học số 2 thị trấn Mường Khương. Khoảng thời gian đó không ít cũng không nhiều trong sự nghiệp trồng người nhưng đã đem lại biết bao kỷ niệm. Vui có, buồn có nhưng đọng lại trong trái tim cô giáo trẻ vẫn là cảm xúc ấm áp của những tháng ngày cùng sống, làm việc, học tập với đồng nghiệp và các em học sinh thân yêu.

Nói về đồng nghiệp của mình, thầy Trần Văn Hùng, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Dìn Chin bày tỏ: “Đến công tác tại trường Tiểu học Dìn Chin từ năm 2011, cô Lan đã bộc lộ nhiều ưu điểm trong quá trình công tác. Cô là một trong những nhà giáo trẻ nhiệt huyết, yêu nghề. Cô đã giành được nhiều thành tích: Giáo viên dạy giỏi cấp huyện, giáo viên trẻ tài năng; Đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”… Cô Lan luôn được học trò yêu quý, cán bộ giáo viên, đồng nghiệp đánh giá cao về năng lực chuyên môn, cũng như lối sống đoàn kết, sẻ chia cùng mọi người”.

Cô Lồ Thị Lan là một trong những gương giáo viên dân tộc thiểu số tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020, do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

1342_co-giao-din-chin-3

Đại diện Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Tập đoàn Thiên Long trao quà động viên cô Lan

Vừa qua, đoàn công tác của Ban Tổ chức chương trình đã đến thăm, động viên và tặng quà cô Lồ Thị Lan tại trường Tiểu học Dìn Chin và trường Tiểu học số 2 thị trấn Mường Khương, tỉnh Lào Cai.

04.12.2019
Họp báo chương trình Chia Sẻ Cùng Thầy Cô năm 2016 sẽ diễn ra vào ngày 13/7
Vào sáng ngày 13.7, tại Hà Nội, Tập đoàn Thiên Long phối hợp cùng Trung ương Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam và Bộ Giáo dục sẽ tổ chức buổi họp báo giới thiệu chương trình Chia Sẻ Cùng Thầy Cô năm 2016. Năm nay, chương trình triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ giáo viên vùng biển đảo.
04.12.2019
Thiên Long chia sẻ khó khăn cùng thầy cô vùng biển đảo
Sáng nay 13/7/2016, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức Họp báo giới thiệu Chương trình "Chia Sẻ Cùng Thầy Cô" 2016.
04.12.2019
Sưởi ấm lòng giáo viên biển đảo
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô 2016” đang thực hiện hành trình đến thăm hỏi, động viên các thầy cô biển đảo từ Bắc đến Nam.
04.12.2019
Phó Chủ tịch nước gặp mặt 42 giáo viên tiêu biểu vùng biển đảo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh vừa có cuộc gặp mặt 42 giáo viên tiêu biểu vùng biển đảo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo
04.12.2019
Những thầy cô nhận hoa dại, cá khô nhân ngày 20/11
Dạy học ở các xã đảo, điều kiện thiếu thốn, món quà ngày Nhà giáo Việt Nam chỉ đơn giản là hoa dại, cá khô, nhưng thầy cô thấy "quý hơn nhiều thứ vật chất trên đời".
04.12.2019
Chiến sĩ ngày canh biên giới, đêm xóa mù chữ cho phụ nữ U50
7h30 tối hàng ngày, anh Phạm Công Khanh có mặt ở lớp xóa mù chữ. Anh hạnh phúc khi được học viên U50 gọi là ‘thầy giáo biên phòng’.