Đề cao giá trị người thầy

Ngày : 02-01-2025

Nhân kỷ niệm 10 năm ra đời Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô", phóng viên Thanh Niên có cuộc trò chuyện với PGS-TS Trần Thành Nam (ảnh), Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục học VN, về giá trị của chương trình.

Lan tỏa tinh thần tôn sư trọng đạo

Đề cao giá trị người thầy- Ảnh 1.

Ảnh: NVCC

Thưa ông, Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" đã có hành trình 10 năm, là chuyên gia giáo dục, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của chương trình đối với ngành giáo dục và thầy cô giáo?

PGS-TS Trần Thành Nam: Tôi thấy rằng chương trình là một sáng kiến rất quan trọng của T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên VN, vì nó ghi nhận, tôn vinh, giúp xã hội nhìn rõ hơn những cống hiến âm thầm của các thầy cô giáo trên cả nước. Đặc biệt là những thầy cô đang làm việc ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Hành trình 10 năm đó là nguồn động viên rất lớn, khích lệ tinh thần và truyền động lực cho chính đội ngũ giáo viên đang công tác ở những vùng khó khăn. Đồng thời chương trình đã tạo ra sức lan tỏa lớn hơn cho tinh thần tôn sư trọng đạo trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, chương trình đã vinh danh các nhà giáo đặc biệt để xã hội nhìn thấy một cách toàn diện hơn về cuộc sống, sự cống hiến, vai trò, sứ mệnh của người thầy. Thông qua đó các nhà làm chính sách cần dành nguồn lực xứng đáng cho những người đang cống hiến trong lĩnh vực giáo dục.

Đề cao giá trị người thầy- Ảnh 2.

Cô giáo Quàng Thị Xuân dành thanh xuân gieo chữ ở huyện biên giới (ảnh: T.L)

Là người đồng hành với chương trình, ông có thể chia sẻ dấu ấn sâu sắc nhất của mình là gì?

Khi tham gia chương trình, một trong những điều để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc là được gặp và nghe câu chuyện của các thầy cô ở những khu vực khó khăn. Đặc biệt là câu chuyện về thầy giáo Vũ Văn Tùng ở Trường tiểu học và THCS Đinh Núp, Gia Lai. Thầy Tùng chia sẻ hành trình xây dựng tủ bánh mì 0 đồng để học sinh ấm bụng tới trường, các em không bỏ trường, lớp. Đây là một câu chuyện gây xúc động và lan tỏa lớn đến rất nhiều thầy cô và các thế hệ học trò. Từ tình yêu thương đầy ấm áp ấy đã tạo thêm động lực cho những giáo viên khác và cho chính cả tôi, để có thể tiếp tục cống hiến trong ngành và cũng thấy rằng mình cần phải làm tốt hơn nữa.

Những câu chuyện như thế cho thấy dẫu sống ở một xã hội công nghệ hiện đại nhưng vai trò của người thầy không bao giờ có thể thay đổi được, bởi giáo dục con người phải dựa trên sự thấu hiểu.

Để thầy cô đến trường cảm thấy hạnh phúc

Trong các chủ đề của chương trình những năm qua, ông quan tâm đến chủ đề nào và đánh giá ra sao về các chủ đề chương trình đã lựa chọn?

Qua 10 năm, mỗi năm chương trình đều chọn chủ đề rất mới, rất thiết thực. Cá nhân tôi ấn tượng với chủ đề xây dựng trường học hạnh phúc. Chủ đề này bắt nguồn từ phong trào của Công đoàn giáo dục VN phát động từ năm 2019 và cũng là chủ đề cả xã hội đang hướng tới. Tôi nghĩ chúng ta nên tập trung và lan tỏa những tinh thần này. Làm thế nào để thầy cô đến trường cảm thấy hạnh phúc, làm thế nào để có thể thầy cô bớt đi những khó khăn, để thêm yêu nghề. Khi giáo viên hạnh phúc thì chắc chắn những người học trò của chúng ta sẽ hạnh phúc và sẽ kiến tạo nên xã hội hạnh phúc.

"Chương trình đã vinh danh các nhà giáo đặc biệt để xã hội nhìn thấy một cách toàn diện hơn về cuộc sống, sự cống hiến, vai trò, sứ mệnh của người thầy. Thông qua đó các nhà làm chính sách cần dành nguồn lực xứng đáng cho những người đang cống hiến trong lĩnh vực giáo dục." - PGS-TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội)

Đề cao giá trị người thầy- Ảnh 3.
 

Những chủ đề của Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" đã toát lên nhiều điều. Thứ nhất, chúng ta phải vinh danh, không được quên ơn sự đóng góp của thầy cô giáo, bởi ai cũng có một người thầy. Thứ hai, chúng ta cũng phải có trách nhiệm trong hành vi ứng xử của mình, để tôn vinh giá trị người thầy. Thứ ba là trách nhiệm phải đấu tranh cho những quyền lợi của người thầy, để họ được đền đáp xứng đáng với vai trò sứ mệnh, vị trí của mình.

Có ý kiến cho rằng trong thời đại công nghệ bây giờ vai trò của thầy cô sẽ bị suy giảm, ông đánh giá như thế nào?

Chúng ta dường như đang quan niệm thầy cô chỉ là người dạy chữ thôi, nên ở thời đại công nghệ, máy móc, AI có thể làm tốt được nhiệm vụ này, vai trò của thầy cô có vẻ bị suy giảm. Nhưng nếu chúng ta nghĩ rằng vai trò quan trọng của thầy cô là dạy người, thì chúng ta sẽ thấy rằng máy móc không thể thay thế được. Sống ở một thế giới càng công nghệ hóa, robot hóa, tự động hóa thì những phẩm chất con người lại càng ngày càng quan trọng. AI có thể cung cấp tri thức, hướng dẫn phương pháp, nhưng không truyền cảm hứng được cho người học. Vì thế người thầy không thể bị AI thay thế.

Thưa ông, thời gian tới, Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" có cần tiếp tục tổ chức, và cần có những đổi mới như thế nào để tạo được sự lan tỏa ngày càng tốt hơn?

Theo tôi, đây là một chương trình vô cùng ý nghĩa, cần được tổ chức với quy mô lớn hơn để có được sự lan tỏa lớn hơn. Có rất nhiều câu chuyện chưa được kể; nhiều giáo viên đang âm thầm cống hiến. Họ rất cần được động viên, ghi nhận. Làm sao để những tấm gương của các thầy cô giáo đến được với công chúng, để giúp chúng ta nhìn nhận đúng vai trò, vị thế của thầy cô và có sự tri ân, đầu tư xứng đáng cho công tác giáo dục đào tạo. Khi đầu tư cho giáo viên nói riêng và giáo dục nói chung, sẽ luôn là một cách đầu tư thông minh cho con em của chúng ta, để có một tương lai bền vững.

Thời gian qua, một số hình ảnh không đẹp về thầy cô giáo lan truyền trên mạng xã hội, nhưng đó chỉ là những trường hợp cá biệt. Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" đã giúp chúng ta nhìn thấy có rất nhiều tấm gương về thầy cô giáo cần lan tỏa, để truyền cảm hứng cho xã hội. Vì vậy, hoạt động tôn vinh người thầy là rất cần thiết và nên được làm thường xuyên hơn với nhiều hình thức hơn, không chỉ dừng lại trong ngày 20.11 hay "mùng 3 tết thầy".

Xin cảm ơn ông! 

04.12.2019
Họp báo chương trình Chia Sẻ Cùng Thầy Cô năm 2016 sẽ diễn ra vào ngày 13/7
Vào sáng ngày 13.7, tại Hà Nội, Tập đoàn Thiên Long phối hợp cùng Trung ương Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam và Bộ Giáo dục sẽ tổ chức buổi họp báo giới thiệu chương trình Chia Sẻ Cùng Thầy Cô năm 2016. Năm nay, chương trình triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ giáo viên vùng biển đảo.
04.12.2019
Thiên Long chia sẻ khó khăn cùng thầy cô vùng biển đảo
Sáng nay 13/7/2016, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức Họp báo giới thiệu Chương trình "Chia Sẻ Cùng Thầy Cô" 2016.
04.12.2019
Sưởi ấm lòng giáo viên biển đảo
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô 2016” đang thực hiện hành trình đến thăm hỏi, động viên các thầy cô biển đảo từ Bắc đến Nam.
04.12.2019
Phó Chủ tịch nước gặp mặt 42 giáo viên tiêu biểu vùng biển đảo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh vừa có cuộc gặp mặt 42 giáo viên tiêu biểu vùng biển đảo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo
04.12.2019
Những thầy cô nhận hoa dại, cá khô nhân ngày 20/11
Dạy học ở các xã đảo, điều kiện thiếu thốn, món quà ngày Nhà giáo Việt Nam chỉ đơn giản là hoa dại, cá khô, nhưng thầy cô thấy "quý hơn nhiều thứ vật chất trên đời".
04.12.2019
Chiến sĩ ngày canh biên giới, đêm xóa mù chữ cho phụ nữ U50
7h30 tối hàng ngày, anh Phạm Công Khanh có mặt ở lớp xóa mù chữ. Anh hạnh phúc khi được học viên U50 gọi là ‘thầy giáo biên phòng’.