Cô giáo Vân Kiều ý chí “thép”, nguyện hết mình vì trẻ em rẻo cao
(CTG) Nước sinh hoạt không có, phòng làm việc thiếu, đường sá sạt lở nguy hiểm vào mùa mưa… Tất cả vẫn không thể quật ngã ý chí của cô giáo dân tộc Vân Kiều Hồ Thị Táo (SN 1988) – người đã tận tụy chăm sóc, dạy dỗ cho trẻ em dân tộc Pa Cô suốt 10 năm qua tại Trường mầm non Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.
Sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em, bố mẹ đều là cán bộ hưu trí, từ nhỏ, cô đã cố gắng học tập, rèn luyện để sau này có công việc ổn định, cuộc sống đỡ vất vả hơn. Thấu hiểu được sự khó khăn của cuộc sống nơi quê nghèo, cô luôn ao ước sau này lớn lên làm trong một ngành nghề nào đó để giúp đỡ mọi người, góp chút sức lực cho quê hương. Cơ duyên xảo hợp, trong một lần đến trường mầm non cùng với chị gái, cô được vui đùa, trò chuyện với các em nhỏ, chúng quấn quýt lấy cô không rời khiến cô cảm thấy thật hạnh phúc. Chính những điều đó đã thức tỉnh mọi suy nghĩ trong cô và có lẽ cô chọn nghề giáo viên mầm non từ lúc ấy.
Cô giáo Hồ Thị Táo phân phát suất cơm cho các em học sinh Trường mầm non Tà Rụt
Khi mới đầu lên công tác tại Trường mầm non Tà Rụt, cô cứ nghĩ mình sẽ không ở lại nơi đây quá 3 năm vì mọi thứ đều xa lạ từ công việc, nơi ăn chốn ở cho đến trẻ. Hầu hết, trẻ ở đây 100% đều là con em dân tộc Pa Cô, ngôn ngữ khác biệt cũng chính là một rào cản rất lớn khi lên lớp. Rồi nước sinh hoạt không có cho nên sáng, trưa và tối đều phải đến nhà dân xách nước phục vụ sinh hoạt cho cả cô và trẻ. Phòng làm việc thiếu, nhà công vụ cho giáo viên chỉ được 4 phòng nên vừa làm việc vừa ăn ở tại đó.
Trường có 1 điểm chính và 3 điểm lẻ, lúc đó đường sá cũng chưa đẹp và bằng phẳng như bây giờ. Mấy ai hiểu được cái cảm giác sợ hãi khi đến trường vào mùa mưa bão của các thầy cô nơi đây. Chỉ cần mưa xuống là sạt lở và những tảng đá to chặn ngay giữa đường, hàng ngày đi dạy phải đối mặt với biết bao nguy hiểm. Những năm trước khi xã Tà Rụt chưa có những cây cầu bằng bê tông, sắt thép, việc vận động trẻ đi học gặp muôn vàn trắc trở. Để tới nhà các em, cô cùng đồng nghiệp phải lội qua từng con suối mà hai chân run lên vì sợ, đi trên những chiếc cầu tre tạm bợ không có tay vịn, đi từng nhà để thu giấy khai sinh cho trẻ được đến trường đúng độ tuổi. Thế mà 10 năm cũng vỏn vẹn trôi qua lúc nào không hay.
Bù lại cho những khó khăn vất vả cô phải trải qua là những kỷ niệm chan chứa niềm vui khi được tìm hiểu phong tục tập quán và đặc biệt là nhận được sự gần gũi, sẻ chia của những con người hiền hòa, dễ mến nơi đây. Sự gắn bó mật thiết giữa cô trò và phụ huynh chính là chiếc cầu nối để cô và đồng nghiệp hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình.
Giờ đây, cơ sở vật chất của trường đã đầy đủ hơn, khang trang hơn nhưng các em vẫn còn rất khó khăn. Nhiều em chỉ có từ 3 đến 5 bộ áo quần mặc đi mặc lại, vào mùa mưa bão, áo quần chưa kịp khô đành phải nghỉ học. Trước tình hình đó, hàng năm, cô cùng với nhà trường đều tiến hành vận động quyên góp những áo quần cũ và một số áo quần mới từ các nhà hảo tâm. Nhìn thấy các em vui vẻ khoác lên mình tấm áo mới khiến cô cùng các đồng nghiệp như được tiếp thêm động lực để cố gắng phấn đấu mang lại sự chăm sóc, truyền dạy tốt hơn nữa để mỗi ngày đến trường đối với các em thực sự là một ngày vui, niềm phấn khởi
Cô Táo tổ chức và tham gia hoạt động vui chơi, học hỏi cùng các em học sinh Trường mầm non Tà Rụt
Hiện tại, cô đã lập gia đình và có con theo học lớp 4. May mắn là cô có người chồng biết chăm lo cho gia đình. Anh đã trở thành điểm tựa vững chắc để cô toàn tâm, toàn ý cống hiến cho công tác giáo dục mầm non của mình.
Đối với cuộc đời mỗi người, 10 năm không phải là một chặng đường dài nhưng cũng không quá ngắn để tôi luyện một cô giáo từ khi mới chập chững bước vào nghề đến khi thành một người giáo viên chín chắn, mẫu mực. Từ khi vượt hơn 60km đến mái Trường mầm non Tà Rụt, nơi heo hút giữa bốn bề rừng núi, sông suối đến khi cơ sở vật chất khang trang như hiện tại, tất cả đều không thể làm lung lay, quật ngã ý chí của cô khi ngọn lửa đam mê luôn cháy bỏng trong tim, luôn thôi thúc bản thân phải nỗ lực cố để tương lai của những đứa trẻ ngây ngô, non nớt nơi đây mai sau sẽ xán lạn hơn.
“Dạy mầm non cũng giống như trồng một cái cây, nếu chúng ta vun vén, chăm sóc thì cây sẽ tốt tươi và đâm hoa kết quả. Sự trưởng thành của các em chính là những trái ngọt mà chúng tôi dành tặng cho đời. Tôi muốn dẫn lại câu nói của một người nổi tiếng… “Một thầy giáo tốt như một ngọn nến- ngọn nến cháy để soi đường cho những người khác” - Mustafa Kernal Ataturk.” – cô Hồ Thị Táo tâm sự.
Với những đóng góp của mình, cô Táo vinh dự nhận bằng khen của UBND, Liên đoàn Lao động, Bộ trưởng, Ủy ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, giấy khen của Giám đốc Sở GD & ĐT, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” cấp cơ sở và cấp tỉnh…
Đặc biệt, dịp này, cô Táo là 1 trong 63 giáo viên được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.
Đây là chương trình nhằm tôn vinh và tri ân các giáo viên người dân tộc thiểu số đã có đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm.
Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh các thầy giáo, cô giáo là người dân tộc thiểu số có quy mô dân số dưới 10.000 người; giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; giáo viên có thời gian giảng dạy lâu năm; giáo viên trẻ tình nguyện lên vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn dạy học.
Chương trình sẽ được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (8 Huỳnh Thúc Kháng, Q. Đống Đa, Hà Nội) vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.