Cô giáo người Dao truyền tình yêu sử Việt nơi non cao

Ngày : 10-11-2020

(CTG) Với nỗi niềm đau đáu đóng góp cho sự nghiệp “trồng người” của vùng quê miền núi khó khăn của huyện Ba Vì, TP. Hà Nội, cô giáo dân tộc Dao Lý Thị Thanh Hải (SN 1987) đã trở thành người truyền lửa tình yêu sử Việt cho các thế hệ học sinh trường PTCS Yên Sơn.

Tuổi thơ “nung nấu” ước mơ thành nhà giáo

Sinh ra và lớn lên ở thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội, cô giáo Lý Thị Thanh Hải thấu hiểu sự khó khăn, thiếu thốn một của một xã miền núi với đa phần dân cư là đồng bào dân tộc Dao. Chứng kiến các thầy cô vượt qua gian khổ, bám làng, bám bản để gieo những hạt giống tâm hồn cho các thế hệ học trò như cô, ước mơ được trở thành người giáo viên tiếp bước cô thầy đem cái chữ về truyền dạy cho trẻ em nơi đây dần dần nhen nhóm trong cô. Theo thời gian, mong mỏi ấy lớn dần trong cô và trở thành mục tiêu mà cô nguyện cả đời nỗ lực phấn đấu, cống hiến để hoàn thành.\

z2044093493483_540c7e43336ba27f1fd71c22fc216703

Cô giáo Lý Thị Thanh Hải chụp ảnh lưu niệm cùng học sinh

Năm 2008 sau khi ra trường, cô đã thực hiện được ước mơ trở về quê hương giảng dạy tại trường PTCS Yên Sơn thuộc xã Ba Vì, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội. Nhưng đến tháng 12/2009, theo sự điều động của tổ chức, cô chuyển lên công tác tại Trường THCS Minh Quang thuộc xã Minh Quang - một trong 7 xã miền núi của huyện Ba Vì, với học sinh chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường.

Với sự cố gắng nỗ lực, học hỏi hết mình, và sự giúp đỡ của ban giám hiệu nhà trường và đồng nghiệp, năm học 2010 – 2011, cô đã đạt giải ba Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp huyện, sáng kiến kinh nghiệm đạt giải A cấp huyện, và đạt loại C cấp thành phố.

Mặc dù được giảng dạy trong một môi trường giáo dục rất tốt, học sinh chăm ngoan, bạn bè đồng nghiệp thân thiện tình cảm nhưng với tâm thế của một người con của đồng bào Dao, cô vẫn luôn đau đáu mong mỏi được trở lại ngôi trường xưa, ngôi trường của tuổi thơ ấu đã nuôi dưỡng bao hoài bão và khát vọng, đã cho cô những ký ức khắc sâu về các thầy cô đã “cắm” bản làng, dốc lòng yêu thương, dạy dỗ con em dân tộc với hi vọng chắp cánh ước mơ hướng đến tương lai tươi sáng cho các em.

May mắn là sau 4 năm, cô cuối cùng cũng được trở lại công tác ở trường PTCS Yên Sơn. Tuy đã dược thỏa ước mơ nhưng đón chờ cô là cả chặng đường gian khó để “gieo” chữ nơi quê hương miền núi này. “Đường sá đi lại vào trường cũng như trong thôn bản chưa được bê tông hóa như bây giờ. Mỗi khi trời mưa thì cả cô và trò đều vất vả trên những con đường sục bùn đất như ruộng cấy, những sườn bò trơn trượt. Những hình ảnh xách dép, chân đất đến trường ngày mưa là quen thuộc lắm, bởi có xe nào đi nổi đâu.” – cô Hải hồi tưởng lại.

Dầu vậy, với sự cố gắng và lòng quyết tâm cao, cô trò đều vượt qua mọi khó khăn, luôn duy trì sĩ số lớp học đầy đủ. Bản thân cô Hải luôn cố gắng học hỏi, nâng cao chuyên môn, vận dụng những phương pháp dạy học phù hợp nhất với đặc thù học sinh dân tộc thiểu số - trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế so với các trường trong khu vực.

PTCS Yên Sơn có đến 98% là học sinh dân tộc Dao. Với ưu thế là người Dao, cô dễ dàng giao tiếp với các em học sinh tại trường. Nhiều em chưa sõi tiếng Việt, cô tận lực dạy song song hai ngôn ngữ để đảm bảo các em nắm được kiến thức chương trình. Chứng kiến nhiều em vẫn vì hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc vì bố mẹ hạn chế nhận thức ngăn cấm khiến phải bỏ học giữa chừng, cô không nản lòng mà cố gắng tuyên truyền, thuyết phục. Dần dà, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống của nhân dân cũng dần dần được nâng lên. Chương trình “Xã hội hóa phổ cập giáo dục”, chương trình phát triển kinh tế trồng cây thuốc nam, phát triển nghề thuốc nam gia truyền đã giúp trình độ dân trí của người dân được tăng lên đáng kể. Nhờ đó, hiện tượng học sinh bỏ học giữa chừng hoặc vì hoàn cảnh khó khăn mà phải bỏ học không diễn ra nữa.

Tâm huyết truyền tình yêu sử Việt cho học sinh dân tộc

Là một giáo viên chuyên ngành lịch sử - địa lí, là một môn phụ trong trường, để khuyến khích tạo động lực cho các em yêu thích môn học hơn, cô Hải đã cố gắng tìm tòi, cập nhật các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo cho học sinh, mà không gây nhàm chán, khuôn mẫu.

Đặc biệt, nhận thức được sự thờ ơ với lịch sử dân tộc của các em học sinh hiện nay, với tình yêu dành cho sử Việt, cô mạnh dạn đảm nhiệm truyền dạy lịch sử bằng phương pháp sáng tạo để những ký ức hào hùng, oanh liệt của dân tộc được tái hiện chân thật, thôi thúc tình yêu nước và tự hào ở thế hệ trẻ chứ không chỉ là những câu chữ, con số vô hồn trên trang sách. Nhờ thế, khi tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi cùng các em khối học sinh lớp 7, cô giành giải Nhất cấp huyện và cấp thành phố môn lịch sử.

“Tôi cảm thấy như mình đã thành công ở một mức độ nào đó trong việc truyền cảm hứng cho các em thêm yêu lịch sử dân tộc, một đất nước đã đứng lên khắc tên mình trên bản đồ thế giới, chiến thắng bao quân xâm lăng hung hãn và bạo tàn, giữ vững nền độc lập ấy để các em học sinh, những thế hệ mai sau chỉ biết lịch sử hào hùng của dân tộc qua trang giấy, và lời dạy của người truyền lửa - đó là những giáo viên lịch sử như tôi.” – cô Hải bộc bạch.

z2044089988526_2ac039a60d6228a03ccdf806dddac3c6

Cô Hải trong một hoạt động Đoàn của trường PTCS Yên Sơn

Ngoài giảng dạy, cô Hải còn được phân công đảm nhiệm vai trò là Bí thư Đoàn thanh niên trường, gánh trên vai trọng trách sáng tạo và tổ chức các hoạt động vui chơi, học tập bổ ích cho học sinh đồng thời khuyến khích học sinh tham gia các phong trào thanh thiếu nhi của các cấp bộ Đoàn, Đội. Với sức trẻ và nhiệt huyết, hàng năm, cô cùng với các thành viên trong Chi đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa như vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng hoa làm đẹp khung cảnh trường học, tổ chức phong trào “lá lành đùm lá rách”, yêu thương chia sẻ những bạn có hoàn cảnh khó khăn...

Để làm được những điều ấy bản thân cô cũng luôn phải cố gắng vì hoàn cảnh gia đình cũng còn nhiều khó khăn, các con còn nhỏ, mẹ chồng già yếu và phải chăm sóc thường xuyên. Để đảm bảo công tác chuyên môn đã khó, tham gia các hoạt động phong trào còn khó hơn, cô đã phải rất cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý để vừa là hoàn thành tốt vai trò mẹ hiền, dâu thảo và giáo viên giỏi, tận tâm.

“Vui lắm, yêu thương lắm khi được nhìn những ánh mắt thơ ngây, háo hức chờ đợi cô với những bài học lịch sử lý thú. Tôi nguyện rằng mình phải cố gắng hơn nữa, trau dồi hơn nữa, để có thể đem lại cho các em những điều mới lạ bằng những câu chuyện, những bài học xương máu của cha anh đã viết lên những trang sử hào hùng của dân tộc.” – cô Hải xúc động chia sẻ.

Với những đóng góp cho công tác giáo dục và phong trào Đoàn – Đội tại địa phương, cô Hải đã vinh dự nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” cấp huyện, Giấy khen của UBND xã, huyện, Tổng Liên đoàn Lao động huyện Ba Vì, Hội khuyến học TP. Hà Nội, BCH Đoàn thanh niên xã Ba Vì…

Đặc biệt, dịp này, cô Hải là 1 trong 63 giáo viên được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

Đây là chương trình nhằm tôn vinh và tri ân các giáo viên người dân tộc thiểu số  đã có đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm.

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh các thầy giáo, cô giáo là người dân tộc thiểu số có quy mô dân số dưới 10.000 người; giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; giáo viên có thời gian giảng dạy lâu năm; giáo viên trẻ tình nguyện lên vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn dạy học.

Chương trình sẽ được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (8 Huỳnh Thúc Kháng, Q. Đống Đa, Hà Nội) vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.

04.12.2019
Họp báo chương trình Chia Sẻ Cùng Thầy Cô năm 2016 sẽ diễn ra vào ngày 13/7
Vào sáng ngày 13.7, tại Hà Nội, Tập đoàn Thiên Long phối hợp cùng Trung ương Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam và Bộ Giáo dục sẽ tổ chức buổi họp báo giới thiệu chương trình Chia Sẻ Cùng Thầy Cô năm 2016. Năm nay, chương trình triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ giáo viên vùng biển đảo.
04.12.2019
Thiên Long chia sẻ khó khăn cùng thầy cô vùng biển đảo
Sáng nay 13/7/2016, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức Họp báo giới thiệu Chương trình "Chia Sẻ Cùng Thầy Cô" 2016.
04.12.2019
Sưởi ấm lòng giáo viên biển đảo
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô 2016” đang thực hiện hành trình đến thăm hỏi, động viên các thầy cô biển đảo từ Bắc đến Nam.
04.12.2019
Phó Chủ tịch nước gặp mặt 42 giáo viên tiêu biểu vùng biển đảo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh vừa có cuộc gặp mặt 42 giáo viên tiêu biểu vùng biển đảo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo
04.12.2019
Những thầy cô nhận hoa dại, cá khô nhân ngày 20/11
Dạy học ở các xã đảo, điều kiện thiếu thốn, món quà ngày Nhà giáo Việt Nam chỉ đơn giản là hoa dại, cá khô, nhưng thầy cô thấy "quý hơn nhiều thứ vật chất trên đời".
04.12.2019
Chiến sĩ ngày canh biên giới, đêm xóa mù chữ cho phụ nữ U50
7h30 tối hàng ngày, anh Phạm Công Khanh có mặt ở lớp xóa mù chữ. Anh hạnh phúc khi được học viên U50 gọi là ‘thầy giáo biên phòng’.