Cô giáo dân tộc Nùng – “Anh hùng vô danh” truyền tình yêu văn học nơi rẻo cao
(CTG) Dù trải qua tuổi thơ cơ cực nhưng với nghị lực và ý chí kiên cường, cô giáo dân tộc Nùng Lê Thị Thu Trang (SN 1982, Trường TH và THCS EaTrol, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) trở thành tấm gương sáng về tinh thần xung phong "gieo" tình yêu văn học đến những địa bàn khó khăn và dốc lòng đào tạo nên nhiều thế hệ học sinh giỏi được chính quyền các cấp biểu dương, ghi nhận.
Tuổi thơ khốn khó “ươm mầm” ước mơ cao đẹp
Sinh ra ở huyện vùng cao duy nhất của tỉnh Thái Nguyên – nơi có tỉ lệ hộ nghèo cao, thu nhập cá nhân trung bình thấp, cô Trang cũng như bao bạn bè cùng trang lứa phải làm quen với việc nhà nông, phụ giúp gia đình. Tuổi thơ của cô gắn liền với chăn trâu, cắt cỏ, mò cua, bắt ốc, kiếm củi, gánh phân, cấy lúa, với những bữa cơm đạm bạc chỉ có rau và nước muối, với ngôi nhà nhỏ lợp lá cọ, vách tường đất.
Vì mưu sinh, cha mẹ thường đi công tác xa nhà, hai chị em cô phải ở với ông bà nội, ngoại. Rồi một ngày mưa phùn, gió bấc, hai chị em cô phải theo mẹ gói ghém đồ đạc đi vào huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên để sinh sống. Đây là một nơi heo hút, dân cư thưa thớt, không có điện lưới, không nước sạch, không trạm xá và trường học, càng đừng nói là khu vui chơi cho trẻ em. Nhà cô được dựng tạm từ cỏ tranh và tường tre trát đất ở bên một quả đồi.
Cô giáo Lê Thị Thu Trang (áo xanh) đã tham gia Chiến dịch thanh niên tình nguyện xóa mù chữ cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số từ khi học cấp 3
Chị em cô còn nhỏ nhưng đã thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn của gia đình mình, ngày ngày cùng mẹ chăm chỉ cuốc đất trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn để ổn định cuộc sống. Thế rồi năm học đến, nhờ người dân tộc Êđê giúp đỡ đưa qua suối trong mùa lũ, hai chị em cô mua được sách vở và bút để đựng trong túi ni lông vì nhà nghèo không có tiền mua cặp sách. Đường đến trường là con đường đất đỏ, trời mưa thì bê bết bùn đất, trời nắng thì bụi tung mù mịt bám đầy quần áo một màu nâu đỏ.
Đi học cái chữ khó khăn là vậy nhưng đối với những đứa trẻ tóc khét năng vì chăn bò, đói ăn, thiếu mặc như cô thì được đến trường đã là một niềm vui to lớn. Cũng từ chính những tháng ngày gian khó đó, ước mơ trở thành người giáo viên dạy chữ cho trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số trong cô dần nảy mầm.
“Ngày đó, được cầm trên tay để đọc một tờ báo Thiếu niên Tiền phong, Thiếu nhi dân tộc là quý lắm, mừng lắm. Tôi nhớ như in, một sáng đến lớp học, cô giáo gọi tôi đến và tặng cho tôi tập truyện ngắn “Em chờ bộ đội Awa Hồ” của nhà văn Y Điêng, cái cảm giác mừng vui tôi vẫn nhớ đến tận bây giờ, không thể nào quên. Tôi vẫn nâng niu giữ gìn tập truyện ấy và biết ơn tác giả bởi tập truyện đã cho tôi về ước mơ, hoài bão… trở thành cô giáo để đem cái chữ dạy cho các em người đồng bào dân tộc thiểu số” – cô Trang bồi hồi nhớ lại.
Xác định ước mơ, cô càng cố gắng vượt qua khó khăn, quyết chí học hành. Suốt những năm học tiểu học và trung học, cô đều đạt danh hiệu học sinh khá giỏi. Đặc biệt, vào tháng 7 năm 1995, cô vinh dự được chọn là đại biểu thiếu nhi xuất sắc của tỉnh Phú Yên đi dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc tại thủ đô Hà Nội. Đó là niềm tự hào và nguồn động lực để cô tiếp tục phấn đấu học tập và thực hiện ước mơ.
Mùa hè năm 1997, khi vừa tốt nghiệp THCS cho đến suốt những năm học cấp 3, cô xung phong tham gia Chiến dịch Thanh niên tình nguyện xoá mù chữ do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Phú Yên tổ chức. Rong ruổi đến các buôn làng dạy thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết, cô được cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với bà con buôn làng với bao kỷ niệm và cảm xúc không thể phai nhòa. Có lẽ những tháng ngày ấy đã góp phần vun đắp, truyền thêm sự kiên định để cô hiện thực hóa ước mơ cao đẹp: cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” nơi gian khó.
“Anh hùng vô danh” truyền tình yêu văn học nơi vùng cao
Sau khi tốt nghiệp ra trường, tháng 10/2003, cô được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Hinh phân công dạy học tại Trường Phổ thông cấp 2-3 Tân Lập, xã EaBar (nay là trường THPT Tôn Đức Thắng). Sau đó, cô được điều động đến dạy học tại trường THCS EaLy vào năm 2012 và chuyển đến giảng dạy tại trường TH và THCS EaTrol từ năm 2014 cho đến nay.
Tất cả những ngôi trường cô đã và đang công tác, đều ở trên địa bàn xã nghèo, vùng sâu, vùng xa của huyện Sông Hinh. Học sinh theo học tại các ngôi trường này chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số người Êđê, Bana, Dao, Sán Dìu, Mông, Tày, Nùng… nên thường có tâm lí ngại giao tiếp, ít cởi mở, ít hòa đồng, ít dám thể hiện mình trước tập thể. Các em học sinh mặc dù biết tiếng phổ thông, đọc viết được nhưng để hiểu sâu được về văn học thì cực kỳ khó khăn dẫn đến chất lượng dạy ngữ văn ở đây chưa được đảm bảo.
Cô Trang tận tình chỉ bảo học sinh kiến thức môn ngữ văn
Về phía phụ huynh học sinh, có một số gia đình nhận thức chưa đúng, còn lệch lạc, cho rằng học để làm gì, học cho tốn công sức, tiền của, sau này ra trường không xin được việc thì uổng phí công sức. Do tập tục của người Êđê là mẫu hệ, phụ nữ đi bắt chồng, vì vậy một số gia đình cho rằng không cần học, chỉ cần làm nhiều tiền là được. Đặc biệt, có những hộ gia đình quá khó khăn về kinh tế cho nên không muốn cho con đi học, để ở nhà làm rẫy, chăn bò. Chính vì vậy mà hàng năm luôn có học sinh bỏ học giữa chừng.
Trước tình hình đó, cô Trang không nề hà tuyên truyền vận động phụ huynh thay đổi nhận thức về việc cho con đi học, đồng thời dốc lòng yêu thương, dạy dỗ, trao truyền cho học sinh kiến thức, truyền lửa cho các thế hệ học trò về nghị lực, lòng kiên trì vượt khó để nuôi dưỡng, đạt được ước mơ, hoài bão giống như mình hiện tại. Nhờ vậy tỉ lệ học sinh bỏ học của trường giảm dần. Tiếp đà thành công, cô sáng tạo phương pháp riêng để kèm cặp học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi. Năm học 2007 – 2008, 5 em học sinh lớp 9 được cô bồi dưỡng đều đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, trong đó có 1 học sinh đạt giải Ba, 2 học sinh đạt giải Khuyến khích cấp tỉnh. Từ đó đến nay, rất nhiều học trò của cô cũng đã giành giải học sinh giỏi môn ngữ văn cấp huyện, cấp tỉnh.
Ngoài công việc ở trường, cô Trang phải lo cho tổ ấm, nơi có mẹ chồng già hay đau yếu và con nhỏ cần chăm sóc. Chồng thường xuyên đi công tác, bồi dưỡng chuyên môn nên mọi việc lớn nhỏ trong nhà gần như một bàn tay cô lo liệu. Dù vậy, cô vẫn nỗ lực hoàn thành vai trò người mẹ, người vợ và người giáo viên tận tâm với học trò suốt hơn 17 năm qua.
“Gắn bó với nghề sư phạm, tôi luôn rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức; luôn tự học hỏi, bồi dưỡng thêm về chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, truyền lửa thắp sáng ước mơ cho học trò vùng cao, vùng dân tộc thiểu số để xứng đáng là nhà giáo như lời Bác Hồ dạy: “…Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không có trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh…”.” – cô Trang chia sẻ.
Với những đóng góp cho ngành giáo dục tại địa phương, cô Trang đã vinh dự nhận Bằng khen của UBND tỉnh Phú Yên, Sở GD&ĐT Phú Yên, Công đoàn Giáo dục tỉnh Phú Yên, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi” cấp huyện, cấp tỉnh qua các năm, các chu kỳ, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, Giấy khen của Phòng GD & ĐT, Liên đoàn Lao động huyện Sông Hinh...
Đặc biệt, dịp này, cô Trang là là 1 trong 63 giáo viên được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long dự kiến tổ chức vào trung tuần tháng 11/2020.
Đây là chương trình nhằm tôn vinh và tri ân những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ của các giáo viên người dân tộc thiểu số, đặc biệt là những dân tộc có quy mô dân số dưới 10.000 người, đang trực tiếp dạy học cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm.
Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh các thầy giáo, cô giáo là người dân tộc thiểu số có quy mô dân số dưới 10.000 người; giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; giáo viên có thời gian giảng dạy lâu năm; giáo viên trẻ tình nguyện lên vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn dạy học.
Chương trình sẽ được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (8 Huỳnh Thúc Kháng, Q. Đống Đa, Hà Nội) vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.