Chương trình ‘Chia sẻ cùng thầy cô’: Tặng học bổng cho học sinh miền núi
Ban tổ chức chương trình 'Chia sẻ cùng thầy cô' năm 2024 đã tặng học bổng cho học sinh Trường tiểu học - THCS Lê Văn Tám (xã Đăk Pơ Pho, H.Kông Chro, Gia Lai).
Chiều 5.11, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT, Công ty CP Tập đoàn Thiên Long cùng các đơn vị tổ chức chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2024 tại Trường tiểu học - THCS Lê Văn Tám (xã Đăk Pơ Pho, H.Kông Chro, Gia Lai).
Tham dự chương trình có anh Hoàng Tuấn Việt, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Trưởng ban Biên tập Cổng tri thức Thánh Gióng; anh Trịnh Văn Hào, Giám đốc truyền thông và đối ngoại Tập đoàn Thiên Long cùng các thầy cô giáo công tác tại trường.
Tại chương trình, ban tổ chức đã trao 20 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) và 1 nhà vệ sinh cho Trường tiểu học - THCS Lê Văn Tám.
Theo anh Trịnh Văn Hào, chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" bước sang năm thứ 10. Chương trình không chỉ tôn vinh những cống hiến âm thầm của thầy cô giáo mà còn hướng đến mục tiêu mang lại sự chia sẻ thiết thực cả vật chất lẫn tinh thần, giúp giáo viên yên tâm hơn trong công tác giảng dạy.
Năm nay, chương trình sẽ tuyên dương 60 thầy cô giáo trong cả nước. Theo đó, mỗi thầy cô tuyên dương sẽ được nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT, T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, kỷ niệm chương và sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng.
Cô giáo Lê Ngọc Linh, công tác tại Trường tiểu học - THCS Lê Văn Tám là một trong số 60 giáo viên được tuyên dương trong chương trình năm nay. Cô Linh đã gần 10 năm gắn bó với nghề giáo, có nhiều tâm huyết, tình cảm dành cho học trò.
Cô Lê Ngọc Linh (công tác tại Trường tiểu học - THCS Lê Văn Tám) cho biết khi mới đi dạy, bản thân gặp nhiều khó khăn vì không hiểu tiếng của người đồng bào nên quá trình giao tiếp với học sinh chưa hiệu quả. Trong khi đó, học sinh chưa tiếp xúc nhiều với tiếng phổ thông và rất rụt rè khi giao tiếp với giáo viên. Vì vậy, cô Linh quyết định học tiếng của người Ba Na để giao tiếp.
"Trong quá trình dạy, tôi chủ yếu sử dụng tiếng phổ thông và thường xuyên nhắc đi nhắc lại một số từ thông dụng để các em nghe quen dần. Bây giờ, tôi rất hạnh phúc với nghề mà mình đã chọn. Vào ngày Nhà giáo Việt Nam hay dịp lễ, học sinh tặng tôi các bức vẽ, những bông hoa hái ở ven đường. Những thứ tưởng chừng bình thường nhưng lại làm cho tôi hạnh phúc vô cùng. Sự yêu thương, sự cố gắng của các em vượt qua bất đồng ngôn ngữ, sự khó khăn trong việc làm quen với bảng chữ cái mới toanh. Tôi thầm biết ơn vì sự cố gắng của các em", cô Linh nói.