BÀI 3: CHẮP CÁNH ƯỚC MƠ CHO NHỮNG HỌC SINH DÂN TỘC DAO
Cô cũng là người Dao…
Cô Lý Thị Thu là người dân tộc Dao, hiện công tác tại trường Tiểu học xã Long Đống, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Trước đây, cô từng làm giáo viên trường PTCS xã Long Đống. Từ ngày đó đến nay, cô Thu có thâm niên 20 năm trong nghề sư phạm tại miền núi.
Cô Thu nhớ lại: “Tốt nghiệp ngành Sư phạm Âm nhạc, năm 2001 tôi được phân công giảng dạy tại trường PTCS xã Long Đống. Những ngày đầu tiên không tránh khỏi sự bỡ ngỡ, lo lắng vì chưa quen môi trường làm việc, cũng như cách học tập của học sinh như thế nào nhưng tình yêu của học trò, tình cảm đồng nghiệp gắn bó đã tạo cho tôi niềm tin, hứng thú làm việc. Tôi dần cảm thấy gần gũi và thân thiết với ngôi trường này”.
Cô Lý Thị Thu dạy học trò hát, múa
Trường PTCS xã Long Đống thuộc vùng khó, địa bàn rộng, có một điểm chính và 7 điểm trường lẻ. Các điểm cách xa nhau nên việc đi lại rất vất vả cho cả thầy cô và học trò. Cô giáo người Dao kể, kỷ niệm lớn nhất trong sự nghiệp giáo dục của cô đó là lần đầu tiên đi giảng dạy ở điểm trường lẻ tại thôn Bản Liếng.
Đây là bản làng đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Điểm Bản Liếng cách trường chính khoảng 10km. Đường đèo quanh co uốn lượn trên những triền đồi, xuyên qua rừng, vừa dốc, vừa trơn, lại vắng vẻ. Buổi đầu tiên đến trường giảng dạy đúng vào ngày trời mưa to, cô Thu bị ngã xe khiến quần áo, cặp sách, giáo án ướt sũng đầy bùn đất, đầu gối trầy xước bầm tím.
“Khi đến nơi, tôi thấy giáo viên, phụ huynh, học sinh và cả bác trưởng thôn đang đợi. Có một phụ huynh bắt tay và nói với tôi: “Hôm qua con tôi đi học về kể, ngày mai có cô giáo mới đến trường. Cô rất trẻ và cũng là người Dao. Nghe nói vậy, tôi vui lắm, nên hôm nay chúng tôi cùng các cháu học sinh đến chờ đón cô giáo người Dao”. Được chào đón tôi thực sự xúc động”, cô Lý Thị Thu bày tỏ.
Cô giáo Thu và các em học sinh tham quan địa chỉ đỏ
Sau phần gặp gỡ, chào hỏi, cô giáo trẻ cùng các em vào tiết. Bài học đầu tiên cô dạy học trò là hát Quốc ca Việt Nam. Cô Thu hăng say giảng bài nhưng oái oăm thay, khi quay xuống lớp thấy các em ngơ ngác, hỏi mới biết phần lớn các em không hiểu tiếng phổ thông.
Thế rồi, một kế hoạch chớp nhoáng được đưa ra để giải quyết tình huống. Cô Thu sử dụng tiếng phổ thông và tiếng Dao kết hợp với hành động, biểu cảm giảng bài.
“Tôi dạy trong lớp mà bên cửa sổ bao nhiêu ánh mắt phụ huynh nhìn vào và lẩm nhẩm hát theo. Lúc đó tôi có chút ngại ngùng, hồi hộp, một chút tự hào dân tộc và thấy yêu Tổ quốc, yêu ghề nhiều hơn gấp bội”, cô Thu trải lòng.
Những ánh mắt háo hức đón chờ tiết nhạc của học sinh đã khiến cô quên đi không gian ngoài cửa sổ. Cô giáo trẻ say sưa dạy hát mà tiết học kết thúc lúc nào không hay.
Mong chờ từng ngày để được hát, múa
Mỗi ngày, cô Lý Thị Thu đi đến một điểm trường lẻ của trường PTCS Long Đống. Mỗi điểm trường lại có nét đặc thù riêng nhưng có điểm chung là tất cả các điểm đều là lớp học tạm bợ, cơ sở vật chất thiếu thốn, đường đi gập ghềnh gian nan. Có những buổi tan trường gặp cơn mưa rừng bất trợt, nước lũ ào về, các thầy cô phải ngồi bên bờ suối, vừa ướt, vừa lạnh chờ nước rút mới dám đi qua. Giáo viên ở đây phải dạy ghép từ hai, ba trình độ trong một lớp học. Tuy vất vả, khó khăn nhưng cô giáo “cắm bản” vẫn rất vui vì biết rằng các em đang mong chờ từng ngày cô vào trường để được học hát, múa.
Cô giáo Thu và học trò trải nghiệm thực tế
Một mình chăm sóc hai đứa con trong vai trò vừa làm cha, vừa là mẹ, công việc giảng dạy lại kiêm Tổng phụ trách Đội của trường nhưng cô Lý Thị Thu luôn xuất sắc mọi nhiệm vụ. Cô tìm thấy niềm vui trong công việc, lấy đó làm niềm an ủi, động viên, khích lệ để bản thân sống tốt hơn. 10 năm có lẻ làm Tổng phụ trách Đội, “cô Tổng” tham mưu và tổ chức nhiều hoạt động phong trào sôi nổi; Giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn; Xuống bản tuyên truyền, vận động học sinh đến trường…
Bánh xe thời gian lặng lẽ quay, thấm thoát đã 20 năm trôi qua, cô Lý Thị Thu khắc ghi trong tâm trí câu chuyện về học sinh Hoàng Công Tùng. Em thuộc diện học sinh khuyết tật đặc biệt, trong lớp hay kêu la, khi nằm xuống ghế, lúc trèo lên bàn, hoặc ngủ… Nhiều lần, cô giáo nhắc nhở tham gia hoạt động học tập cùng bạn bè nhưng không nghe.
Trăn trở, nghĩ suy về học sinh, cô Thu đã thay đổi phương pháp giáo dục trường hợp đặc biệt này. Cô kiên nhẫn, nhẹ nhàng và quan tâm nhiều hơn đối với em. Cứ mỗi lần được cô giáo khen, cười tán thưởng thì Tùng tỏ ra tích cực tham gia tập luyện văn nghệ, thể thao, các buổi ngoại khóa, đặc biệt trong tiết Âm nhạc, phân môn tập đọc nhạc, em đã mạnh dạn hơn.
Nụ cười học trò mang đến niềm vui và động lực để cô giáo Thu phấn đấu, nỗ lực từng ngày
Trong buổi học, lần đầu tiên em đọc to, rõ từng nốt nhạc với nét mặt rạng rỡ trong tiếng vỗ tay của cả lớp khiến cô giáo vỡ òa cảm xúc. Từ đó, Tùng thay đổi, tiến bộ rõ rệt. Em thích hát, thích giờ âm nhạc, biểu diễn, vận động theo nhạc mà không hề xấu hổ. Cậu học trò đặc biệt lại luôn mong chờ giờ học của cô.
“Nhìn các em tiến bộ từng ngày, rồi lớn lên, trưởng thành, không còn hạnh phúc nào bằng. Dù vẫn còn đó nhiều gian nan, khó khăn, thách thức, tôi vẫn sẽ mãi yêu và trân trọng công việc của mình, tiếp tục nuôi dưỡng cho những ước mơ của học sinh bay cao, bay xa”, cô Lý Thị Thu bộc bạch.
Trong quá trình công tác, cô Lý Thị Thu đã được nhận nhiều giấy khen, danh hiệu của nhà trường, tỉnh Lạng Sơn, Trung ương Đoàn: Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; Giỏi việc nước - đảm việc nhà, Giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi…; Đạt nhiều giải thưởng trong các hội thi, sáng kiến kinh nghiệm…
Năm 2020, cô là một trong những giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, Tập đoàn Thiên Long thực hiện, nhằm vinh danh giáo viên là người dân tộc thiểu số đang trực tiếp dạy học cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Lê Dung