3 câu chuyện đặc biệt về thầy cô “gieo chữ” miền Tây Bắc
Ở trên rẻo cao miền núi phía bắc, có nhiều thầy cô giáo bám trụ để "gieo" cái chữ cho người dân và học sinh. Các thầy cô mong mỏi học sinh tiếp nhận kiến thức để phát triển bản làng giàu đẹp.
Chia sẻ cùng thầy cô là chương trình thường niên do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ GD-ĐT, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức. Chương trình tôn vinh những thầy, cô giáo trong hành trình mang kiến thức, tình yêu thương đến các em học sinh.
Lan tỏa những câu chuyện đẹp về người thầy
Hằng năm, chương trình Chia sẻ cùng thầy cô tuyên dương những giáo viên vượt khó để mang tri thức đến các vùng sâu, vùng xa trên cả nước. 2024 là năm thứ 10 chương trình diễn ra. Sau 10 năm, chương trình không ngừng đổi mới để lan tỏa những câu chuyện đẹp về người thầy, nhận phản hồi tích cực từ xã hội.
Ở cột mốc 10 năm đáng chú ý, chương trình có nhiều hoạt động thiết thực để tôn vinh thầy cô, kể tiếp câu chuyện về hành trình dạy - học hạnh phúc trong 10 năm.
Trong tháng 10 và 11, đoàn công tác của chương trình Chia sẻ cùng thầy cô thực hiện các chuyến thăm thầy cô ở 3 miền Bắc - Trung - Nam. Suốt 10 năm qua, đoàn công tác của chương trình chứng kiến những gian khó trong nghề và lắng nghe tâm tư của các thầy cô luôn là hành trình đong đầy cảm xúc, những câu chuyện chân thật về nghị lực, tấm lòng của người thầy cũng như tình cảm thầy - trò và lan tỏa rộng khắp xã hội.
Năm nay, chuyến xe lan tỏa hành trình lần lượt dừng chân tại Sơn La, Cần Giờ (TP.HCM), Gia Lai và Ninh Bình.
"Năm 2024, đoàn công tác chương trình Chia sẻ cùng thầy cô tìm hiểu và chia sẻ với các thầy cô "quân hàm xanh" - dành cả thanh xuân để gieo chữ miền biên giới; các thầy cô giáo dạy học chuyên biệt; các giáo viên dạy học sinh dân tộc thiểu số và các giáo viên trường giáo dưỡng. Với sự đa dạng này, hành trình năm nay mang nhiều cảm xúc mới cho bức tranh dạy học hạnh phúc của chương trình suốt 10 năm qua", ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại của Tập đoàn Thiên Long, chia sẻ.
Những nhọc nhằn trên rẻo cao
Cuối tháng 10, đoàn công tác thăm thầy cô đã dừng chân tại Sơn La với 3 câu chuyện đặc biệt của giáo viên đang "gieo chữ" tại miền Tây Bắc.
Theo đó, đoàn công tác đến với lớp học xóa mù chữ cho bà con dân tộc ở các xã vùng cao của H.Sốp Cộp (Sơn La). Hơn 20 năm nay, đại úy quân nhân chuyên nghiệp Lò Văn Thoại vẫn miệt mài dạy bà con tập đọc, tập đánh vần, rèn từng nét chữ. Từ chỗ chưa quen với con số, với chiếc điện thoại, nhiều bà con trong lớp học của thầy giáo Lò Văn Thoại đã có thể tự đọc, tự viết, tự lưu tên người thân trên điện thoại. Quan trọng hơn, niềm vui đến lớp của bà con ngày một lớn dần. Đại úy kiêm thầy giáo Lò Văn Thoại dần thành người bạn, người thầy cùng ăn, cùng ở, cùng nói tiếng dân tộc, từng ngày kiên trì giúp bà con biết đọc chữ, viết tên.
Cũng tại Sơn La, cô Quàng Thị Xuân dành cả thanh xuân để gắn bó với Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Mường Lạn. Hơn 12 năm đứng trên bục giảng tại ngôi trường thuộc xã đặc biệt khó khăn của huyện biên giới Sốp Cộp, cô Xuân trăn trở tìm cách để các học sinh không phải nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn. Niềm vui lớn nhất của cô Xuân là nhìn thấy các em được an tâm đến trường, học lên những lớp cao hơn và ổn định cuộc sống.
"Có lần thầy cô giáo đến nhà vận động các em đến trường, phụ huynh còn vác dao ngăn cản", cô Xuân kể.
Cũng gắn bó với các em nhỏ vùng cao, các đồng nghiệp thường dùng từ phi thường để nói về hành trình vượt khó trở thành giáo viên và gắn bó với nghề của cô giáo Vi Thị Hằng, Trường tiểu học Lóng Luông, H.Vân Hồ (Sơn La).
Sinh ra trong gia đình khó khăn, cô Hằng thường đi bộ gần 4 tiếng đồng hồ mới đến được đường nhựa để bắt xe ôm tiếp tục di chuyển về trường. Sau khi tốt nghiệp THPT, vì gia đình khó khăn không đủ điều kiện nên cô Hằng tạm gác việc học 1 năm phụ giúp gia đình.
"Từng rất vất vả để được đi học nên tôi rất thương các em học sinh ở đây. Nhiều lần giáo viên chúng tôi khóc vì hành trình đến trường của nhiều em quá khó khăn, có em gia đình quá nghèo, có em bố mẹ vướng vào vòng lao lý, bố mẹ nghiện ma túy mất sớm, bố mẹ đi làm ăn xa...", cô Hằng xúc động nói.
3 câu chuyện về các thầy Thoại, cô Xuân, cô Hằng - những người dành cả thanh xuân tận tâm gieo chữ nơi rẻo cao, là một gam màu đẹp làm nên bức tranh cho chương trình Chia sẻ cùng thầy cô trong 10 năm qua.
"Các chuyến thăm thầy cô giáo luôn là một phần không thể thiếu của chương trình suốt 10 năm qua. Tập đoàn Thiên Long rất hạnh phúc khi được đồng hành, được lắng nghe tâm tư, chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về tình thầy - trò. Tất cả những cảm xúc ấy đã tạo nên bức tranh Chia sẻ cùng thầy cô trong 10 năm nhiều gian khó nhưng đong đầy hạnh phúc", ông Trịnh Văn Hào chia sẻ.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------
Nhiều nguồn lực xã hội chung tay Chia sẻ cùng thầy cô
Lần đầu tiên, trong các chuyến đi thăm thầy cô tại ba miền, trong đoàn công tác có sự đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp vì cùng mục tiêu mang đến những điều tốt đẹp nhất cho thầy cô và học sinh ở vùng sâu, vùng xa. Cụ thể, chương trình có sự chung tay của Trung tâm tình nguyện quốc gia trao tặng 1 nhà vệ sinh cho em, Công ty cổ phần đầu tư khoáng sản IMC trao tặng 60 triệu đồng học bổng.
Tại các chuyến đi, Tập đoàn Thiên Long cũng mang đến các dụng cụ học tập để tổ chức cho học sinh tô vẽ tranh tri ân thầy cô giáo. Hoạt động đơn giản này tạo nên niềm vui bất ngờ cho các em nhỏ vùng cao vốn chịu nhiều thiệt thòi do điều kiện kinh tế khó khăn. Các em học sinh hứng thú, say mê với màu sẵn để cùng nhau gửi những bức tranh đẹp nhất đến các thầy cô.
10 năm qua, chương trình Chia sẻ cùng thầy cô lan tỏa sâu rộng qua từng năm. Từ những câu chuyện nhân văn và sâu sắc về người thầy, chương trình tôn vinh những giá trị của nghề giáo, thôi thúc các hoạt động tri ân người thầy, lan tỏa hành trình dạy học hạnh phúc. Năm nay, lễ tuyên dương Chia sẻ cùng thầy cô sẽ diễn ra ngày 14 và 15.11 tại Hà Nội.