Tri thức trẻ vì giáo dục 2021: Giải quyết 'nỗi đau', xóa nhòa khoảng trống trước COVID-19
TTO - Hai năm 'sống chung' với đại dịch COVID-19, điều đáng lo ngại nhất chính là sự gián đoạn về mặt giáo dục. Ngành giáo dục nước nhà đã thay đổi nhiều phương pháp đào tạo, giảng dạy, trong đó có giáo dục trực tuyến để phù hợp với tình hình mới.
Talkshow "Giáo dục trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19" diễn ra theo hình thức trực tuyến sáng nay - Ảnh: HÀ THANH chụp lại
Sáng nay 27-6 diễn ra talkshow trực tuyến của Chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2021 với chủ đề "Giáo dục trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19".
Chương trình do Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và đào tạo, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.
Xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong lớp học trực tuyến
Câu chuyện của cô giáo Hà Ánh Phượng (ở Phú Thọ) với lớp học xuyên biên giới - một trong 50 giáo viên toàn cầu xuất sắc nhất năm 2020 đã được đưa đến talkshow hôm nay như một minh chứng tiêu biểu cho sự thích nghi nhanh chóng trước bối cảnh đại dịch.
"Phương pháp giảng dạy là lấy học sinh làm trung tâm, làm sao để tiết học online của mình thu hút các em học sinh? Khi dạy online, tôi biến bài kiểm tra thành sân chơi, gameshow để các em thi đấu với nhau, kích thích tinh thần học và học tốt để đạt được chiến thắng", cô Phượng chia sẻ.
Để triển khai lớp học online hiệu quả, cô cho rằng cần xây dựng văn hóa lớp học trực tuyến, đặc biệt xây dựng bộ quy tắc ứng xử online giúp cô trò cùng nghiêm túc thực hiện.
Lấy ví dụ như, cần phải có vở ghi chép đầy đủ trong tiết học tránh tình trạng bật mic, tắt camera đi để… nhặt rau, trông em hay chuyển sang kênh khác mà không tập trung học; triển khai khen thưởng rõ ràng trong lớp.
Mô hình lớp học "xuyên biên giới" của cô giáo Hà Ánh Phượng - Ảnh: HÀ THANH chụp lại
"Tất nhiên khi bắt đầu áp dụng mô hình trực tuyến ở nông thôn, miền núi cũng có nhiều khó khăn. Mới đầu khi thấy con chơi trò chơi trong giờ học, phụ huynh gọi điện đến cho cô giáo thì mới hiểu đây là trò chơi phục vụ cho môn học. Quan điểm của tôi, dạy học cần hiệu quả nhưng cũng cần phải tạo không khí vui vẻ cho học sinh", cô Phượng bày tỏ.
Bên cạnh xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong lớp học online, ông Trương Minh Hoàng, giám đốc chương trình Học thông minh - Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng cần thiết kế "chu kỳ 15 phút" là thời gian tập trung của học sinh trong tiết học.
Theo ông Hoàng, khoảng 10 - 15 phút giảng dạy, giáo viên có thể thiết kế hoạt động khác như đơn giản là câu nói thư giãn cùng học sinh, hay thiết kế một câu hỏi liên quan đến bài học cho học sinh trả lời sau 10 - 15 phút đó.
"Nhiều hoạt động như vậy để quản lý lớp học cũng như đánh giá học sinh, nâng cao động lực, sự tập trung học sinh", ông Hoàng chia sẻ.
Giải quyết "nỗi đau", xóa nhòa khoảng trống
Về nước giảng dạy trong bối cảnh COVID-19, tiến sĩ Lê Duy Anh, Khoa Kinh tế phát triển, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội ngay lập tức chuyển đổi mô hình giảng dạy trực tiếp sang trực tuyến.
Tiến sĩ Duy Anh cho rằng COVID-19 như "chất xúc tác", "cú hích" thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, nhất là trong ngành giáo dục. Do đó, sinh viên cần nắm bắt, tận dụng tốt lợi thế này để tiếp thu nhiều kiến thức, có thể tham gia nhiều lớp học với nhiều thầy dạy khác nhau mà không nhất thiết phải đến tận nơi, không tốn chi phí, thời gian.
Trao giải thưởng Chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục cho 3 công trình xuất sắc nhất năm 2020 - Ảnh: NAM TRẦN
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra đối với đối tượng học sinh, sinh viên yếu thế, khuyết tật có thể gặp khó khăn trong tiếp cận giáo dục trực tuyến. Do đó, chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục có thể quan tâm hơn, giải quyết khó khăn cho đối tượng này trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay để đảm bảo "không ai bị bỏ lại phía sau".
Bên cạnh đó, tập trung giải quyết bài toán về công cụ để cung cấp bài giảng từ giảng viên đến học sinh, sinh viên; tập trung đổi mới, số hóa nội dung; về cách thức đánh giá, kiểm tra…
Ông Trương Minh Hoàng cũng chỉ ra khó khăn về "độ phủ" internet ở Việt Nam tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, cho nên vấn đề đặt ra là cải thiện, kéo vùng sâu vùng xa lại gần hơn trong câu chuyện giáo dục trực tuyến.
"Trong mảnh đất đó, có nhiều thứ để chúng ta sáng tạo. Vấn đề là nỗi đau của mình ở đâu, khiếm khuyết của mình ở đâu, mình cần giải quyết cái gì thì tập trung vào đó", ông Hoàng bày tỏ.
Chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục năm nay tiếp tục tìm kiếm các công trình, sáng kiến thuộc 3 nhóm nội dung: Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; Sáng chế công cụ phục vụ giảng dạy và học tập, nghiên cứu; Công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.
Thời gian nhận hồ sơ công trình, sáng kiến bắt đầu từ ngày 1-5 đến hết ngày 30-9. Tác giả gửi bộ hồ sơ dạng file tới địa chỉ email: trithuctrevigiaoduc@gmail.com.