Việc tốt cho sự học được lan tỏa
2016 cũng là năm thứ 15 chương trình Tiếp sức mùa thi đồng hành cùng thí sinh và các bậc phụ huynh.
Tình nguyện viên TP.HCM chỉ dẫn đường đi cho thí sinh.
Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa (ảnh), Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long (đơn vị đồng hành và tài trợ cho chương trình suốt 15 năm), đã chia sẻ về những nỗ lực cùng xã hội chung tay làm nên chương trình.
Trong những năm đầu tiên khi bắt tay thực hiện chương trình Tiếp sức mùa thi, ông có kỳ vọng chương trình sẽ thành công như hôm nay không? Tại sao?
Thực tình, trong những năm đầu của chương trình, chúng tôi chỉ biết làm và làm hết sức mình. Theo thời gian, với sự chung tay đồng lòng của toàn xã hội, với tính hiệu quả và độ lan tỏa của chương trình, chúng tôi bắt đầu kỳ vọng vào sự thành công của chương trình trong tương lai. Và sau 15 năm, kỳ vọng này đã trở thành sự thực.
Rõ ràng, chương trình ra đời đã gánh bớt nhiều nỗi lo cho các thí sinh và phụ huynh. Ngoài ra, xã hội cũng bớt phập phồng lo sợ về các vấn nạn nhan nhản trong mỗi mùa thi đại học. Và chúng tôi cũng tin rằng việc làm tốt cho sự học, vốn là truyền thống của xã hội VN, chắc chắn sẽ được cộng đồng đón nhận và tạo ra sự lan tỏa.
Trong 15 năm qua, có điểm gì ông thấy chương trình vẫn chưa làm được?
Thật lòng mà nói, chúng tôi còn nhiều dự định muốn làm cho các thí sinh nhưng vẫn chưa thể biến những dự định đó thành hiện thực vì ngân sách hạn chế. Hằng năm, khi mùa thi đến, chúng tôi đều tìm cách giải quyết câu hỏi: “Làm thế nào để đủ ngân sách chăm lo chuyện đi lại, ăn ở miễn phí cho hàng trăm ngàn thí sinh có hoàn cảnh khó khăn?”. Dù đã rất nỗ lực để san sẻ khó khăn tài chính với các thí sinh nghèo nhưng chúng tôi vẫn chưa tìm được phương án tốt nhất để giải quyết câu hỏi trên.
Đồng thời trong những năm gần đây, chương trình còn dự định sẽ đồng hành cùng các thí sinh trong suốt hành trình thi đại học, kể từ lúc thí sinh khăn gói lên các thành phố lớn dự thi cho đến lúc trở về quê nhà sau kỳ thi. Trong thực tế, chúng tôi nhận thấy trước khi đặt chân đến thành phố lớn, nhiều thí sinh rất hoang mang và thiếu thông tin nên rất cần sự tiếp sức của các đội tình nguyện. Để hỗ trợ chuyện này cho các thí sinh, ngân sách vẫn là điều khiến chúng tôi trăn trở. Năm nay, Bộ GD-ĐT đã quyết định tổ chức thi ngay tại các địa phương nên khó khăn của chúng tôi cũng đã được giải quyết phần nào.
Ngay thời điểm này, xã hội đang tôn vinh những gương mặt tiêu biểu đã cống hiến cho chương trình suốt 15 năm qua, từ bác xe ôm đến cô chủ nhà, từ bạn sinh viên tình nguyện đến doanh nghiệp, các nhà hảo tâm... Cảm xúc của ông như thế nào khi xã hội tôn vinh những con người giản dị với tấm lòng đẹp ấy?
Có bao giờ các bạn cảm thấy vui sướng khi nghe người thân, bạn bè quen biết được xã hội tôn vinh vì những nghĩa cử hay hành động cao đẹp nào đó mà người ấy đã làm? Trong ngày này, tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc khi những gương mặt tiêu biểu đã cống hiến cho chương trình suốt 15 năm qua được xã hội tôn vinh. Và thực sự xúc động khi nghe một bác xe ôm đã “đội nắng đội mưa” đồng hành với các thí sinh suốt 15 năm liền chia sẻ giản dị rằng: “Tôi không giúp được bằng tiền cho tụi nhỏ thì tôi giúp bằng việc làm. Tôi giúp vì thấy thương, thấy tội chứ đâu phải vì nổi tiếng”.
Rõ ràng, nếu chỉ làm việc tốt để lấy tiếng, bác xe ôm ấy và hàng trăm ngàn người khác, kể cả các tình nguyện viên, không thể đều đặn đi cùng chương trình suốt 15 năm qua bất chấp những bộn bề vất vả của cuộc mưu sinh. Nói vậy để thấy rằng dù có hay không sự công nhận và tôn vinh từ xã hội, tôi tin rằng những tấm lòng tốt vẫn sẽ ở đó, lặng lẽ san sẻ những khó khăn với các thí sinh mà không mong nhận lại bất cứ điều gì cho bản thân ngoài “một lời cảm ơn chân thành từ các thí sinh” và niềm vui cho chính mình.
Có thể nói rằng tất cả nghĩa cử cao đẹp của người dân dành cho các thí sinh trong chương trình hằng năm đều xuất phát từ tinh thần tương thân tương ái và được thực hiện bằng tất cả tấm lòng cùng với khả năng của họ. Tôi thật sự trân trọng điều này và mong rằng xã hội sẽ nhớ, tôn vinh họ không chỉ vào thời điểm hiện tại mà còn ở nhiều thời điểm khác trong tương lai, để những câu chuyện giản dị nhưng đầy ý nghĩa về những con người rất đỗi bình thường này luôn được lan tỏa mạnh mẽ và sống cùng với thời gian.
Ngày 18.8, tại TP.HCM, T.Ư Hội Sinh viên VN, Bộ GD-ĐT, Báo Thanh Niên và Tập đoàn Thiên Long tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện chương trình Tiếp sức mùa thi. Nhiều tập thể và cá nhân tham gia chương trình trong 15 năm qua sẽ được Đảng và Nhà nước tặng thưởng và ghi nhận sự đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước. |
Nguồn Báo: http://thanhnien.vn/
Đăng Trình