Ngày 18/8, Kỉ niệm 15 năm chương trình Tiếp Sức Mùa Thi
Kỉ niệm 15 năm Tiếp Sức Mùa Thi là một sự kiện có ý nghĩ lớn với Tập đoàn Thiên Long, đánh dấu chặng đường 15 năm liên tiếp Tập đoàn Thiên Long đồng hành cùng chương trình. Nhằm ghi nhận những thành tích của các tập thể, cá nhân trong chương trình, tại Lễ tổng kết năm 2016 và Kỷ niệm 15 năm chương trình Tiếp Sức Mùa Thi sắp tới, Chủ tịch Nước quyết định trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long.
Trước cột mốc Kỉ niệm 15 năm Tiếp Sức Mùa Thi quan trọng, hãy cùng điểm lại những cột mốc đáng nhớ của hành trình 15 năm Tiếp Sức Mùa Thi:
1. Lịch sử hình thành và quá trình phát triển
Năm 1996, Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên TP.HCM (nay là Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM) tổ chức chương trình “Hỗ trợ thí sinh đi thi đại học” nhằm giúp cho thí sinh và người nhà thí sinh từ các tỉnh về thành phố Hồ Chí Minh dự thi có được chỗ trọ an toàn. Chương trình ban đầu được thực hiện với quy mô nhỏ tại bến xe miền Đông và bến xe miền Tây.
Năm 2001, khi chương trình ngày càng được mở rộng và nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP. Hồ Chí Minh đã hợp tác cùng Công ty Bút bi Thiên Long (nay là Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long) tổ chức chương trình với tên gọi “Tiếp sức mùa thi”.
Năm 2002, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo, Báo Thanh niên và Tập đoàn Thiên Long chính thức nhân rộng Chương trình trên quy mô toàn quốc tại 07 điểm thi lớn trên cả nước: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Định với 625 tình nguyện viên tham gia. Chương trình “Tiếp sức mùa thi” đã trở thành một thương hiệu tình nguyện của sinh viên cả nước.
Qua các năm, Chương trình không ngừng được mở rộng về quy mô nhằm đáp ứng được yêu cầu tổ chức kỳ thi và nhu cầu thực tiễn:
- Năm 2006, để đáp ứng nhu cầu tại các tỉnh, thành có số lượng lớn thí sinh dự thi, chương trình “Tiếp sức mùa thi” triển khai chương trình tại tỉnh Thái Nguyên với tổng số gần 15.000 sinh viên tình nguyện tham gia trên cả nước.
- Năm 2007, Chương trình được tổ chức tại 09 tỉnh, thành phố (mở rộng thêm tại tỉnh Đắk Lắk) với tổng số 52.600 sinh viên tình nguyện tham gia.
- Năm 2009, Chương trình được tổ chức tại 10 tỉnh, thành phố (mở rộng thêm TP. Hải Phòng) với tổng số gần 40.000 sinh viên tình nguyện tham gia.
- Năm 2011, Chương trình được tổ chức tại 12 tỉnh, thành phố (mở rộng thêm tỉnh Nam Định, Hải Dương) với tổng số gần 38.000 sinh viên tình nguyện tham gia.
- Năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia thay thế cho Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng trước đây, Chương trình “Tiếp sức mùa thi” được tổ chức trên phạm vi toàn quốc, trong đó tập trung trọng tâm vào địa bàn 23 tỉnh, thành phố có tổ chức các cụm thi trung học phổ thông quốc gia: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Đắc Lắk, Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Phú Thọ, Sơn La, Tiền Giang, Tuyên Quang, Thái Bình, Thanh Hóa, Trà Vinh. Các cơ sở Đoàn, Hội đã thành lập được 4.023 đội hình tình nguyện với 59.985 tình nguyện viên tham gia.
- Năm 2016, Chương trình “Tiếp sức mùa thi” lần đầu tiên được tổ chức trên phạm toàn quốc tại 63/63 tỉnh, thành phố. Cả nước thành lập được 1.984 đội hình thanh niên tình nguyện “Tiếp sức mùa thi” với 74.499 tình nguyện viên tham gia.
2. Kết quả 15 năm triển khai chương trình "Tiếp sức mùa thi”:
2.1 Công tác chuẩn bị lực lượng tình nguyện viên
Qua 15 năm triển khai, từ việc tập trung tại 12 tỉnh, thành phố có đông các trường đại học, cao đẳng và thí sinh dự thi, chương trình đã được mở rộng quy mô, phạm vi trên khai tại 63/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Chương trình đã thu hút được đông đảo sinh viên tình nguyện tham gia, cụ thể:
- Theo phân cấp quản lý, các cấp bộ Đoàn, Hội đã thành lập được 41.934 đội hình “Tiếp sức mùa thi” với sự tham gia của 730.838 sinh viên tình nguyện (So với 625 sinh viên tình nguyện năm 2002; 470.000 sinh viên tình nguyện tính đến năm 2011). Trong đó có: 7.125 đội hình, 162.418 sinh viên tình nguyện cấp tỉnh; 34.809 đội hình, 568.420 đội hình cấp trường.
- Theo nội dung hoạt động:
o 6.452 đội hình với 111.527 sinh viên tình nguyện tham gia các hoạt động đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các địa điểm thi.
o 11.396 đội hình với 175.397 sinh viên tình nguyện tham gia các hoạt động tìm kiếm nhà trọ miễn phí, nhà trọ giá rẻ.
o 8.935 đội hình với 170.049 sinh viên tình nguyện tham gia các hoạt động hỗ trợ di chuyển cho thí sinh và người nhà.
o 17.758 đội hình với 273.865 sinh viên tình nguyện tham gia các hoạt động hỗ trợ hội đồng thi, hỗ trợ thí sinh và người nhà.
2.2. Công tác tư vấn, hỗ trợ thí sinh và người nhà
Với thông điệp “Hãy tự tin, chúng tôi đi cùng các bạn”, qua 15 năm triển khai Chương trình đã đạt được kết quả như sau:
- 10.088.521 thí sinh và người nhà được hỗ trợ. Trong đó 7.680.765 người được tư vấn trực tiếp, 2.407.756 người được tư vấn qua số điện thoại đường dây nóng.
- 516.229 nhà trọ miễn phí, 2.207.669 nhà trọ giá rẻ được hỗ trợ.
- 2.206.585 suất ăn miễn phí, an toàn được cấp phát cho thí sinh và người nhà.
- 1.943.557 bản đồ, 1.588.972 cẩm nang được phát miễn phí.
- 171.635 vé xe buýt miễn phí được hỗ trợ.
- 2.133.861 thí sinh và người nhà thí sinh được hỗ trợ di chuyển trong các kỳ thi.
2.3 Một số mô hình, cách làm hiệu quả
- Cẩm nang “Tư vấn mùa thi”: Bắt đầu từ năm 2006, Ban tổ chức chương trình phát hành cẩm nang “Tư vấn mùa thi” nhằm cung cấp cho thí sinh và người nhà các thông tin bổ ích: tỷ lệ chọi, hướng dẫn chọn ngành, chọn trường, kinh nghiệm học hành, thi cử… Hàng năm, Báo Thanh niên, Báo Sinh viên Việt Nam và các tỉnh, thành đoàn cũng phát hành cẩm nang hỗ trợ thí sinh và người nhà thí sinh. Kết quả, đã có 1.588.972 cẩm nang được phát miễn phí.
- Mô hình các đội xe ôm miễn phí: Hàng năm, các cấp bộ Đoàn, Hội thành lập các đội hình tình nguyện “Áo xanh chở ước mơ hồng” hoạt động tại các bến xe, nhà ga, các điểm trung chuyển xe buýt, các địa điểm thi…Các tình nguyện viên là những người có kỹ năng lái xe tốt, được tập huấn kiến thức tiếp sức mùa thi, sẽ tham gia chở miễn phí thí sinh và người nhà thí sinh đến các địa điểm ở trọ và các địa điểm thi. Kết quả, đã có 2.133.861 thí sinh và người nhà thí sinh được hỗ trợ di chuyển trong các kỳ thi
- Mô hình xây dựng ngân hàng nhà trọ: Các cấp bộ Đoàn, Hội thành lập các đội hình “Tìm kiếm nhà trọ” vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn cung cấp chỗ trọ cho thí sinh và người nhà thí sinh (gần điểm thi) miễn phí, giá rẻ, đảm bảo an ninh; làm việc với các cơ quan, đơn vị có khả năng cung ứng chỗ ở miễn phí hoặc giá rẻ với sức chứa lớn; rà soát khả năng cung ứng chỗ ở trong kí túc xá của các trường… tất cả dữ liệu về nhà trọ được tổng hợp, phân loại, lưu trữ và cung cấp cho thí sinh và người nhà thí sinh tham gia kỳ thi hàng năm. Kết quả, đã có 516.229 nhà trọ miễn phí, 2.207.669 nhà trọ giá rẻ được hỗ trợ.
- Mô hình“Mỗi xe buýt 1 tình nguyện viên” (Hội SVVN TP Hồ Chí Minh, Hội SVVN TP Hà Nội): Hội Sinh viên TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đơn vị vận tải thành lập các đội hình tình nguyện hướng dẫn các tuyến xe buýt trên địa bàn thành phố với phương châm “Mỗi xe buýt 1 tình nguyện viên” nhằm hướng dẫn, hỗ trợ thí sinh và người nhà trong quá trình di chuyển bằng xe buýt tới các điểm thi, nhà trọ.
- Mô hình Bản đồ chỉ đường (Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Sinh viên TP Hà Nội, Hội Sinh viên TP Hồ Chí Minh): Năm 2006, tại Hà Nội, Đội sinh viên tình nguyện “Đom đóm xanh” gồm nhóm sinh viên thuộc 4 trường: Học viện Kỹ thuật Quân sự, Cao đẳng Giao thông vận tải, Cao đẳng Tài chính Hưng Yên, ĐHQG TP Hồ Chí Minh đã xây dựng phần mềm và sử dụng 02 máy vi tính chỉ dẫn cho thí sinh và người nhà đến các địa điểm thi. Từ năm 2015, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Thiên Long phát triển ứng dụng Tiếp sức mùa thi trên điện thoại di động thông minh cung cấp thông tin hữu ích về kỳ thi và bản đồ chỉ đường đến các địa điểm tổ chức thi. Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP Hồ Chí Minh - đơn vị thường trực hoạt động “Tiếp sức mùa thi” năm tại TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Công ty Cổ phần Tin học - Bản đồ Việt Nam xây dựng bản đồ trực tuyến tất cả các địa điểm thi trên toàn quốc nhằm hỗ trợ thí sinh, người nhà thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia.
- Mô hình “Tiếp sức mùa thi - Thắp sáng những ước mơ”do Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM, phối hợp cùng Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ du lịch Phương Trang hỗ trợ trọn gói cho 100 thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi từ các tỉnh thành: Tây Ninh, Bình Thuận, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre vào tháng 7/2012. Số lượng này tăng lên thành 300 thí sinh thuộc các tỉnh: Quãng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khán h Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau trong năm 2013. Theo đó, thí sinh được đưa đón từ tỉnh nhà về TP.HCM dự thi Đại học, được hỗ trợ chỗ ăn ở, di chuyển trong thời gian dự thi Đại học, Cao đẳng tại TP.HCM; ngoài ra, các thí sinh trên được ưu tiên giới thiệu học bổng vào đầu năm học nếu các bạn đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng theo nguyện vọng.
- Mô hình “Cùng bạn đi thi” (Hội SVVN TP Hà Nội): Mô hình được thực hiện theo phương thức“Một tình nguyện viên hỗ trợ một thí sinh” trong suốt quá trình dự thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng tại Hà Nội. Mỗi năm, Hội Sinh viên thành phố Hà Nội phối hợp với các tỉnh Đoàn, Hội Sinh viên Thành phố: Hòa Bình, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Nam, Vĩnh Phúc hỗ trợ trực tiếp cho gần 300 thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thí sinh là người dân tộc thiểu số, con em công nhân ngheo, con em gia đình chính sách. Kết quả từ năm 2012 đến 2016, đã có 1.600 thí sinh có hoàn cảnh khó khăn được 1.600 tình nguyện viên hỗ trợ theo Chương trình “Cùng bạn đi thi”. Mô hình “Em tôi đi thi” (Tỉnh đoàn Bắc Giang): Chương trình “Em tôi đi thi” được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn triển khai từ năm 2010 nhằm chia sẻ, giúp đỡ các thí sinh thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung học phổ thông quốc gia hàng năm. Kết quả qua 6 năm triển khai, Chương trình đã hỗ trợ được 5.800 thí sinh và người nhà thí sinh có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình phối hợp cùng Hội doanh nhân trẻ Tiếp sức mùa thi” (Hội SVVN tỉnh Quảng Ngãi): Hàng năm, Hội Sinh viên tỉnh phối hợp với Hội doanh nhân trẻ tỉnh hỗ trợ xe đưa đón, suất ăn, nước uống, nhà trọ miễn phí, giá rẻ, trao tặng học bổng cho thí sinh có hoàn cảnh khó khăn tham dự kỳ thi tại Bình Định, Huế, Đà Nẵng; trên mỗi chuyến xe đều bố trí nhân viên y tế, đi cùng chăm sóc sức khỏe cho thí sinh tham gia kỳ thi. Kết quả, đã hỗ trợ 150 chuyến xe đưa đón gần 4.657 thí sinh.
- Mô hình “Quầy dịch vụ cộng đồng miễn phí” (Hội SVVN TP Hà Nội): Mô hình “Quầy dịch vụ cộng đồng miễn phí” được duy trì và triển khai tại các địa điểm thi, bến xe, trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong chương trình “Tiếp sức mùa thi” từ năm 2013. Tại các quầy, thí sinh và người nhà thí sinh được tư vấn về nhà trọ, địa điểm ăn uống an toàn, giá rẻ, đảm bảo vệ sinh; khi có nhu cầu sẽ được cung cấp miễn phí nước mát, đồ ăn nhẹ, bản đồ, bút bi, quạt giấy, các tài liệu tư vấn và vật dụng khác. Trong 4 năm triển khai chương trình, “Quầy dịch vụ cộng đồng miễn phí” đã cung cấp miễn phí cho thí sinh và người nhà: 75.000 suất cơm; trên 350.000 bản đồ, 225.000 cẩm nang tiếp sức mùa thi, 950.000 suất ăn nhẹ, 1.050.000 chai nước, 490.000 quạt cầm tay.
- Mô hình “Hướng dẫn, chăm sóc sức khỏe thí sinh” (Hội SVVN TP Hải Phòng):Từ năm 2015,Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo thành lập tại tất cả các địa điểm thi trên địa bàn toàn thành phố các đội hình hướng dẫn, chăm sóc sức khỏe thí sinh và người nhà thí sinh trong suốt kỳ thi THPT Quốc gia. Với nòng cốt là sinh viên năm thứ 5, 6 của khối ngành Y Dược, các đội hình này sẽ tư vấn cho thí sinh các phương pháp giữ gìn sức khỏe trong mùa thi; hỗ trợ các đơn vị y tế túc trực và xử lý các vấn đề sức khỏe của thí sinh trong quá trình diễn ra kỳ thi. Kết quả, đội hình hậu cần y tế đã tổ chức tư vấn sức khỏe, giải quyết các vấn đề về sức khỏe cho hơn 600 lượt thí sinh, người nhà thí sinh và lực lượng tình nguyện viên trực chốt tại các địa điểm thi.
- Mô hình “Homestay” (Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế): Các đoàn viên, thanh niên, sinh viên tình nguyện tham gia Tiếp sức mùa thi hàng năm sẽ vận động người thân trong gia đình của mình cho các thí sinh và người nhà đến thành phố Huế tham dự kỳ thi tuyển sinh cùng ăn và ở miễn phí với gia đình của các tình nguyện viên trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi. Kết quả, đã có 30.241 thí sinh và người nhà được hỗ trợ.
- Mô hình “Phối hợp với cảnh sát giao thông đưa đón thí sinh” (Hội SVVN TP Đà Nẵng, Tỉnh đoàn Tuyên Quang): Tại mỗi điểm thi đều có đội hình lực lượng CSGT thường xuyên túc trực. Các đội hình tình nguyện Tiếp sức mùa thi bên cạnh việc triển khai các đội hình xe ôm miễn phí, còn phối hợp với đội hình lực lượng CSGT trẻ đưa đón thí sinh và người nhà thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở xa địa điểm thi, nhằm tạo sự an tâm, kịp thời để thí sinh hoàn thành tốt kỳ thi. Lực lượng CSGT sẽ thành lập 01 đội hình gồm 3-5 chiến sĩ. Các đội hình Tiếp sức mùa thi sẽ nắm danh sách các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, cần giúp đỡ. Sau đó phối hợp với lực lượng CSGT để hỗ trợ, đưa đón.