'Nếu có điều ước, chỉ mong trường học của các cháu có nhà vệ sinh'
TTO - Gặp mặt Phó thủ tướng, cô giáo trẻ người dân tộc Raglai xúc động 'xin' cho những đứa trẻ ở trường có nhà vệ sinh nam riêng, nữ riêng, cải thiện cơ sở vật chất trường học, trang thiết bị, bố trí đủ giáo viên để dạy các con tốt hơn.
Sáng nay 16-11 tại Hà Nội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gặp mặt 63 thầy cô giáo tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020.
Chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Bộ GD-ĐT, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long tổ chức.
Tại buổi gặp mặt, 63 thầy cô giáo dân tộc thiểu số ở những vùng khó khăn, xa xôi nhất Tổ quốc tụ hội về thủ đô, chia sẻ với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về hành trình gieo chữ lên non.
Ba năm gắn bó với công tác dạy trẻ mầm non, cô giáo trẻ PiNăng Thị Hải (24 tuổi, người dân tộc Raglai, Trường mầm non Phước Bình, Ninh Thuận) xúc động chia sẻ, điểm trường nơi cô dạy cách rất xa huyện với hơn một giờ đồng hồ xuống núi.
Một mình "người mẹ trẻ" phải dạy lớp ghép với 34 học sinh, bên cạnh dạy chữ còn phải quán xuyến hết từ bữa cơm, giấc ngủ cho trẻ. Nhưng khó khăn đó không thấm vào đâu so với khó khăn của các trò.
"Ở trường các con học bán trú ăn ngủ nghỉ tại trường nhưng chưa có nhà vệ sinh đảm bảo. Hiện nay các cháu đã được giáo dục giới tính nam riêng, nữ riêng, bản thân tôi cảm thấy rất cần thiết xây phòng vệ sinh nam riêng, nữ riêng cho các cháu", cô PiNăng Thị Hải mong muốn.
Hay như bữa cơm cho trò đã được cải thiện nhưng thực đơn vẫn chưa đầy đủ và phong phú. Nhưng với các trò đây đã là bữa ăn rất no và ấm cúng, cô Hải bật khóc: "Ở trên đấy chỉ cần được đi học, được ăn uống là các cháu vui rồi".
Đồng thời cô mong muốn được các cấp quan tâm, đáp ứng cơ sở vật chất như trang thiết bị dạy học, bố trí đủ giáo viên để cô giáo mầm non chăm sóc các cháu tốt hơn.
Cô giáo Vàng Ha De (30 tuổi, Trường mầm non Bum Tở, ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) có hai con nhỏ, có chồng là bộ đội thường xuyên xa gia đình nhưng trước kia ngày nào cô cũng phải xuống bản vận động trò đến lớp, thậm chí lên tận nương rẫy gọi các cháu về học.
"Nếu có điều ước, tôi ước trường lớp được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ, có nhà vệ sinh bởi không có nhà vệ sinh, các cháu, các cô cũng rất vất vả", cô Ha De bộc bạch.
Hay câu chuyện của cô giáo Phùng Thị Thủy (28 tuổi, dân tộc Thái, ở Trường mầm non Pa Thơm, tỉnh Điện Biên) muốn gọi về nhà phải "bắt sóng quốc tế ở Lào", chịu tiền cước rất đắt bởi lẽ ở điểm trường cô dạy không có sóng điện thoại. Còn ngày trước, cô chẳng thể liên lạc về được với gia đình, cứ chiều chủ nhật vào bản và đến chiều thứ 6 tuần sau mới được về nhà.
Cùng với đó là các kiến nghị có điện, nước sạch, có trang thiết bị dạy và học tiếng dân tộc cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số.
Chia sẻ và gửi lời cảm ơn với các thầy cô giáo đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, kiên cường bám lớp, bám bản để "gieo chữ trên non", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt nhấn mạnh: "Muốn phát triển phải học, bà con miền núi muốn đổi đời nhất định phải học".
Tại cuộc gặp mặt, Phó thủ tướng cho biết sẽ phối hợp cùng các cấp các ngành triển khai 5 vấn đề - cũng là mong muốn của các thầy cô giáo từ những dân tộc thiểu số xa xôi.
Cụ thể, tùy điều kiện để triển khai nhà vệ sinh cho con em; các điểm trường hiện chưa có điện lưới quốc gia thì triển khai điện mặt trời để sử dụng, không dùng được 24/24 thì ít nhất dùng một số thời điểm; tất cả các trường có sóng điện thoại trực tiếp hay gián tiếp; hỗ trợ bằng mọi cách để con em ở xa đến trường có bữa ăn trưa; hỗ trợ sách vở, đồ dùng dạy học tiếng dân tộc cho học sinh.
Phó thủ tướng cũng mong muốn 63 thầy, cô giáo được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 sẽ là "đại sứ" truyền cảm hứng đến các thầy cô và các trường miền núi, vùng khó khăn, luôn là tấm gương sáng trong ngành giáo dục, góp phần tích cực vào sự nghiệp trồng người.