Hạnh phúc của cô giáo H’re đóng góp sự nghiệp “trồng người” ở quê hương
(CTG) Vượt lên gia cảnh khốn khó, cô giáo dân tộc H’re Đinh Thị Kem (SN 1988, Trường tiểu học Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) hiện thực hóa giấc mơ trở thành giáo viên đóng góp cho sự nghiệp “trồng người” ở quê hương Quảng Ngãi.
Cô giáo Đinh Thị Kem sinh ra ở làng quê nghèo nằm tách biệt, lưng tựa vào núi Kì Lân – hố Bà Năm, nay còn gọi là xóm Đèo thuộc xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Những hộ dân ở đây hầu hết là người đồng bào dân tộc H’re. Dù gia cảnh nghèo khó, cha mẹ làm nông vất vả quanh năm nhưng vẫn cố gắng nuôi bốn chị em cô ăn học nên người. Hiểu hoàn cảnh gia đình, với suy nghĩ diệt “giặc dốt” mới đẩy lùi được “giặc đói”, cô Kem đã sớm nuôi ước mơ trở thành giáo viên, đem cái chữ về dạy cho các em trong làng để giúp đỡ phần nào cho cuộc sống người dân nơi đây khấm khá hơn.
Cô giáo Đinh Thị Kem dạy học sinh viết bảng tại điểm trường làng của Trường tiểu học Hành Dũng
Sau nhiều nỗ lực học tập, tốt nghiệp ra trường, cô được phân công về giảng dạy tại một điểm trường làng của Trường tiểu học Hành Dũng, nơi cô sinh ra và lớn lên. Điểm trường này chỉ có một lớp học với số lượng học sinh dao động từ 10 – 12 em nhưng có tới hai nhóm trình độ khác nhau. Điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Các em thuộc nhóm lớp 3 ở đây thậm chí không thể được học môn tin học và ngoại ngữ như các bạn ở trường chính nhưng nhà quá xa trường chính nên các em buộc phải học ghép lớp ở điểm trường lẻ. Người dân nơi đây đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, không có điều kiện kinh tế, hạn chế trong nhận thức, nhiều khi không cho con em đến tuổi đi học đến trường hoặc để con em bỏ học giữa chừng, ở nhà phụ giúp gia đình.
Cô Kem hướng dẫn các học trò tìm hiểu về tự nhiên, chăm sóc bồn hoa xung quanh điểm trường
Có bước vào “nghề bụi phấn bảng đầy tay”, “nghề trồng cây trên đất” thì mới hiểu để “nở cho đời những đóa hoa thơm” thật không hề dễ dàng. Đối mặt với những khó khăn cản trở ước mơ “gieo hạt tri thức”, cô Kem không từ bỏ mà nỗ lực tìm giải pháp. Cô luôn học hỏi, trau dồi kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn, cố gắng truyền đạt kiến thức một cách dễ hiểu nhất để các em biết đọc, viết, biết tính toán và nhận biết những cái hay, cái đẹp của thế giới xung quanh qua từng bài học, tiết dạy. Với những em tiếp thu chậm, cô tranh thủ giờ ra chơi, kèm cặp, chỉ thêm. Cô cũng không nề hà đến từng nhà học sinh vận động cha mẹ cho con em đi học đúng độ tuổi, không bỏ học giữa chừng.
Mười năm gắn bó với nghề, dẫu vẫn còn những khó khăn, vất vả, cô Kem cảm thấy hạnh phúc vì đã đóng góp được cho sự nghiệp “trồng người” của quê hương. “Mười năm gắn bó với nghề, tôi đã đem hết khả năng, tâm huyết của mình cho những chuyến đò. Là đứa con của quê hương, tôi mong muốn góp phần sức lực nhỏ bé của mình vào xây dựng quê hương và đem đến cho các em những ước mơ tươi sáng. Dù trong hoàn cảnh nào, tôi cũng sẽ luôn nhiệt tình và tận tâm với sự nghiệp trồng người.” – cô Kem bộc bạch.
Cô Kem đến tận nhà học sinh, vận động phụ huynh cho con em đến trường đúng độ tuổi, không bỏ học giữa chừng
Với những đóng góp của mình, cô Kem vinh dự đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” nhiều năm liền, giấy khen của Liên đoàn Lao động huyện Nghĩa Hành… Đặc biệt, dịp này, cô Kem là 1 trong 63 giáo viên được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long dự kiến tổ chức vào trung tuần tháng 11/2020.
Đây là chương trình nhằm tôn vinh và tri ân những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ của các giáo viên người dân tộc thiểu số, đặc biệt là những dân tộc có quy mô dân số dưới 10.000 người, đang trực tiếp dạy học cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm.
Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh các thầy giáo, cô giáo là người dân tộc thiểu số có quy mô dân số dưới 10.000 người; giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; giáo viên có thời gian giảng dạy lâu năm; giáo viên trẻ tình nguyện lên vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn dạy học.
Chương trình sẽ được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (8 Huỳnh Thúc Kháng, Q. Đống Đa, Hà Nội) vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.