Cô và trò Dìn Chin leo đồi, vượt dốc hứng từng giọt
GD&TĐ - “Vay tiền có thể không trả, nhưng vay nước thì nhất định phải trả” - Đó là câu nói quen thuộc của người dân ở Dìn Chin (Mường Khương, Lào Cai) đủ để thấy sự vất vả, thiếu thốn của thầy và trò nơi đây.
Cô giáo Lồ Thị Lan.
Mỗi tuần chỉ tắm một lần…
Đến thăm cô giáo Lồ Thị Lan – một trong những giáo viên dân tộc thiểu số được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2020”, mới thấm được những gì mà thầy và trò miền núi vượt qua hằng ngày để vươn lên trong sự nghiệp "trồng người" cao quý.
Năm 2011, sau khi học xong, cô Lan nhận quyết định đến công tác tại Trường Tiểu học Dìn Chin, xã Dìn Chin - một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Mường Khương.
Dù đã tưởng tượng được mảnh đất này thiếu thốn đủ thứ nhưng chỉ khi đến tận nơi mới thấu hiểu được nỗi vất vả của bà con dân tộc.
Không chỉ dạy các em học chữ, cô Lan còn dạy kỹ năng sống trong mỗi buổi tối khi các em ở nội trú.
Cái thiếu lớn nhất ở đây là nước. Nước được coi như "đặc sản" quý hiếm đối với mọi người, đặc biệt là học trò.
Cứ sáng sớm hoặc sau buổi chiều tan làm, cô Lan cùng với các anh chị, các bạn đồng nghiệp lại chuẩn bị can nhựa, đòn gánh để đi lấy nước về phục vụ sinh hoạt. Cả thôn cũng chỉ có một nguồn nước bé tí ti, nước chảy ít và chậm.
Gọi là lấy nước nhưng thực tế là đi hứng trên thượng nguồn xuống. Dường như mỗi can nước là một phép thử về sự kiên nhẫn của người đi lấy, bởi ai cũng phải chờ đợi, xếp hàng. Có hôm phải chờ đến 2 tiếng đồng hồ mới đến lượt mình để lấy được 2 can nước về.
Cô Lan cũng chẳng nhớ nổi, những ngày đầu, cô đã trượt chân bao nhiêu lần trên con đường mòn chỉ lách được 1 người đi, tối tăm mù mịt mỗi mùa gió rít lạnh buốt.
Cô Lan chia sẻ: “Cách nguồn này không xa vẫn có các khe nước khác có thể lấy nước về dùng nhưng ngặt nỗi, để lấy được nước phải đi qua nhiều đá lởm chởm, dốc cao, sức người không nổi, có khi mang về đến nhà thì đã rơi vãi và đổ hết”.
Thiếu nước, mọi sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với trường Tiểu học Dìn Chin, học sinh từ lớp 3 đến lớp 9 ở lại nội trú trong trường.
Chính vì vậy, ngoài việc dạy dỗ các em, các thầy cô còn có nhiệm vụ chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho các em. Có lẽ vì thế, mà trong số những ước mơ của thầy và trò nơi đây, luôn có một vị trí đặc biệt cho... trời mưa để hứng nước.
9 năm gắn bó với trường Tiểu học Dìn Chin, cô Lan cùng đồng nghiệp đã có nhiều kinh nghiệm để tiết kiệm “đặc sản” quý này: “Thầy và trò nhà trường thường dùng nước vo gạo để rửa rau, dùng nước rửa rau để rửa bát... Mỗi ngày, chỉ vệ sinh cá nhân thật sự cần thiết, cuối tuần về nhà mới tắm một lần, quần áo bẩn cũng được gói mang về nhà giặt”.
Khó khăn để dành cho ai
Cô Lồ Thị Lan cùng học trò Tiểu học Dìn Chin.
Khó khăn là thế, nhưng cả khu nội trú vẫn vang tiếng cười trong các căn phòng. Học trò coi thầy cô là cha mẹ, chính những người buổi sáng đứng trên bục giảng, xa nhà, nhớ con, tối đến cũng coi các em là con của mình mà chăm sóc từng chút một.
Là người dân tộc Bố Y – dân tộc thiểu số ít người, cô Lan ước mơ được làm cô giáo. Đối với cô, những người thầy của mình cũng là người mà trong suốt tuổi thơ cô thần tượng. Chính vì vây, cô cũng mong muốn được truyền lửa cho học trò của mình vượt qua thiếu thốn để học tập thật tốt, sau này sẽ thành đạt để về giúp đỡ quê hương.
Vì lẽ đó, không ít lần cô Lan phải bỏ công đi vận động, gọi học sinh đến trường. Niềm vui đối với cô và cũng là món quà quý giá nhất của những người đứng trên bục giảng là mong sao các em không bỏ trường, bỏ lớp.
Mỗi lần gặp khó khăn bản thân cô lại nghĩ “ai cũng nhận phần dễ thì khó khăn để phần ai".
Khi hỏi học trò của cô Lan về ước mơ sau này, các em đều mong muốn được trở thành cô giáo, được đứng trên bục giảng cầm phấn viết bài và chỉ bảo cho các em nhỏ từng kỹ năng sống, học tập, sinh hoạt.
Được phân công dạy học sinh lớp 1, đối tượng học sinh “khó nhất” ở trường. Bởi, lứa tuổi này, các em chưa va chạm nhiều với dân tộc đa số khác, lại chưa quen với trường lớp nên hầu hết là nói tiếng của dân tộc các em.
100% học sinh ở đây đều là dân tộc thiểu số, thế nên muốn dạy các em học, cô Lan nghĩ mình cần hiểu tiếng các em nói. Thế là, cô dạy tiếng Kinh cho các em học chữ, rồi lại học từ chính các em tiếng dân tộc để giao tiếp với nhau.
Động lực lớn nhất để cô bám bản, bám trường là gương mặt ngộ nghĩnh, ngơ ngác của các em. Khó khăn sẽ chẳng là gì, miễn là học trò của mình được học chữ.
Cô Lan nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, lao động tiên tiến cấp trường, và cũng 9 năm gắn bó, cô đã có không ít kỉ niệm.
“Vui có, buồn có, nhưng đọng lại trong trái tim tôi vẫn là những cảm xúc ấm áp của những tháng ngày cùng sống, cùng làm việc, cùng học tập với đồng nghiệp và với các em học sinh thân yêu. Tất cả đều in dấu vào lòng tôi những bài học của cuộc sống, sâu sắc và đáng quý. Tôi hi vọng bằng sự nỗ lực và cố gắng của bản thân, các bạn nhỏ sẽ học tập thật tốt, luôn có những tiết học thú vị, tràn ngập niềm vui và hạnh phúc để chắp cánh cho những ước mơ bay xa” – cô Lan nói.
Cô giáo Lồ Thị Lan là một trong những giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long thực hiện.
Đến thăm cô Lồ Thị Lan, đại diện Ban tổ chức, ông Trịnh Văn Hào – Giám đốc Marketing của Tập đoàn Thiên Long chia sẻ: “Có thể nói, với tất cả những nỗ lực của các thầy cô, có lẽ một từ “cảm ơn” là chưa đủ để tuyên dương những “người hùng thầm lặng" nơi non cao hiểm trở này.
Các thầy cô còn là động lực chân thực nhất để chắp cánh cho con em dân tộc thiểu số tiếp tục ước mơ, phấn đấu học hành, thay đổi tương lai của chính mình và của bản làng mình. Ý chí và nghị lực phi thường này thật sự đáng được trân trọng và tri ân”.