Cô giáo người Dao truyền tình yêu Tổ quốc bằng âm nhạc
(CTG) Đã ngót nghét 20 năm kể từ ngày đầu tiên đặt chân đến PTCS xã Long Đống, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, cô giáo dân tộc Dao Lý Thị Thu (SN 1981) vẫn không ngừng truyền đi tình yêu Tổ quốc qua âm nhạc cho học sinh quê hương Bắc Sơn anh hùng.
Năm 2001, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm âm nhạc, cô Thu được phân công giảng dạy tại trường PTCS xã Long Đống – một ngôi trường thuộc vùng III của huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Với địa bàn rộng, trường có 1 cơ sở chính và 7 điểm trường lẻ, trong đó khoảng cách giữa các điểm trường là rất xa, đường sá không thuận tiện.
Cô giáo Lý Thị Thu tổ chức dạy âm nhạc cho học sinh
Lần đầu tiên đi giảng dạy ở điểm trường lẻ thôn Bản Liếng – một bản làng dân tộc Dao, cách trường chính khoảng 10km, cô Thu đã được “nếm trải” những thử thách đầu tiên của sự nghiệp “trồng người” nơi rẻo cao. “Đường đi quanh co uốn lượn trên những triền đồi xuyên qua những cánh rừng, đường đèo vừa dốc vừa trơn, đường vắng vẻ. Hôm đó trời mưa rất to, đường trơn trượt nên tôi bị ngã xe. Dường như cái sự nghiệp ấy thử thách tôi với bộ quần áo, cặp giáo án ướt sũng đầy bùn đất, trên đầu gối trầy xước bầm tím.” – cô Thu nhớ lại.
Thế nhưng, khi đến nơi, nhận được sự chào đón nồng hậu của đồng nghiệp, học sinh và bà con dân bản nơi đây, cô thực sự xúc động và thấy vơi đi phần nào nỗi vất vả trên đường đi.
Bài đầu tiên cô Thu dạy học trò của mình là Quốc ca Việt Nam. Nhưng sự cố đã xảy ra khi đang giảng bài vì phần lớn các em không biết tiếng phổ thông nên không hiểu điều cô truyền dạy. Để giải quyết vấn đề, cô Thu sử dụng tiếng Việt và tiếng Dao kết hợp với các hành động của cơ thể, biểu cảm để giảng bài. Bên trong lớp học trò chăm chú theo dõi từng cử chỉ của cô, bên ngoài lớp, phụ huynh cũng dõi theo lẩm nhẩm khúc hát Quốc ca. Lúc đó, cô Thu cảm thấy dâng trào cảm xúc tự hào khó tả, thấy như góp một phần nhỏ bé truyền đi tình yêu Tổ quốc qua âm nhạc đến với học sinh và bà con vùng cao.
Cứ thế, mỗi hôm cô lại đi đến một điểm trường lẻ để tiếp tục hành trình “gieo” tình yêu đất nước, con người qua lời ca tiếng hát. Có những nơi phải dạy lớp ghép hai, ba trình độ, lớp học tạm bợ, dụng cụ dạy học thiếu thốn, đường đến trường có khi gặp lũ quét qua khiến cô ngồi cả buổi bên bờ suối, vừa ướt, vừa lạnh, chờ nước rút mới qua. Có những giai đoạn khó khăn của cuộc sống khi cuộc hôn nhân của cô không may mắn kết thúc và cô phải oằn mình chèo chống gia đình, chăm lo hai con nhỏ. Nhưng không phải vì thế mà cô Thu bỏ cuộc bởi cô biết rằng luôn có học sinh và bà con thôn bản háo hức mong chờ cô mang tới những bài ca, tiếng hát để hiểu hơn về quê hương, đất nước, con người.
Với vai trò Tổng phụ trách Đội, cô giáo Lý Thị Thu tổ chức hoạt động tại Bảo tàng cho học sinh
Bên cạnh giảng dạy, cô Thu được giao kiêm nhiệm thêm Tổng phụ trách Đội. Tưởng rằng nỗi vất vả khi nhiệm vụ được giao ngày một nhiều thêm sẽ khiên cô chùn bước với nghề. Nhưng cô lại lấy công việc làm niềm vui, làm nguồn động lực để khích lệ sống tốt hơn. Vì thế mà, cô vẫn miệt mài, say mê tìm tòi, sáng tạo trong giảng dạy và tham mưu, đề xuất tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh như phong trào quyên góp ủng hộ, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, xuống bản tuyên truyền, vận động học sinh bỏ học đến trường và các em học sinh trong độ tuổi đi học nhưng không được đến trường…
Với cô Thu, 20 năm gắn bó với nghề dạy học vùng cao là những năm tháng cô được sống với đam mê, được trưởng thành trong nhận thức và nghiệp vụ và trên hết là đầy ắp niềm vui nhờ những kỉ niệm về những buổi học tập, hoạt động ngoại khóa vui nhộn, các cuộc thi đầy ý nghĩa với các em học sinh.
“Tôi sẽ mãi yêu và trân trọng công việc của mình, sẽ luôn phấn đấu vì sự tin yêu của học trò, của phụ huynh học sinh, sự động viên khích lệ và giúp đỡ của đồng nghiệp cho sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp trồng người, nuôi dưỡng cho những ước mơ của học sinh bay cao, bay xa.” – cô Thu xúc động chia sẻ.
Những đóng góp của cô Thu cho công tác giáo dục, phát triển công tác Đội và phong trào thanh thiếu nhi tại địa phương đã được các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương cùng các cấp bộ Đoàn biểu dương, ghi nhận.
Đặc biệt, dịp này, cô Thu là 1 trong 63 giáo viên được tuyên dương tại tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Đây là chương trình nhằm tôn vinh và tri ân những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ của các giáo viên người dân tộc thiểu số, đặc biệt là những dân tộc có quy mô dân số dưới 10.000 người, đang trực tiếp dạy học cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm.
Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh các thầy giáo, cô giáo là người dân tộc thiểu số có quy mô dân số dưới 10.000 người; giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; giáo viên có thời gian giảng dạy lâu năm; giáo viên trẻ tình nguyện lên vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn dạy học.
Chương trình sẽ được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (8 Huỳnh Thúc Kháng, Q. Đống Đa, Hà Nội) vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.