Chia sẻ cùng thầy cô: Tiếp thêm sức mạnh tinh thần trên hành trình trồng người
Hành trình gieo chữ của những thầy cô giáo vùng sâu vùng xa luôn gặp nhiều thử thách, khó khăn. Khi được ghi nhận và tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô", họ cho biết chương trình đã tiếp thêm động lực và sức mạnh tinh thần để làm tốt hơn nữa sứ mệnh trồng người.
Động lực để thầy cô sáng tạo nhiều phương pháp dạy hay
Đã 2 năm trôi qua kể từ lần gặp tại Sóc Trăng, chúng tôi vẫn không quên được hình ảnh thầy cô trẻ tần tảo dậy từ 4 giờ sáng tranh thủ đi chợ sớm lấy rau về cho mẹ bán, rồi chạy xe hơn 30 km đến trường; chiều tối xong giờ dạy tranh thủ về nhà cắt cỏ chăn bò kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.
Vươn lên từ khó khăn để theo đuổi ước mơ làm thầy giáo nên khi được đứng trên bục giảng, thầy Lý Thường Kiệt, giáo viên dạy môn giáo dục công dân, đồng thời là Bí thư Đoàn Trường THPT Hòa Tú (ấp Hòa Phuông, xã Hòa Tú 1, H.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) không chỉ làm tốt công tác giảng dạy mà còn tận tâm giúp đỡ rất nhiều học sinh khó khăn để các em không phải "đứt gánh giữa đường". Ở vùng quê nghèo còn nhiều khó khăn này, điều thầy Kiệt lo sợ nhất là học trò của mình bỏ học giữa chừng, dẫn tới tương lai mù mịt.
Thầy Kiệt là một trong những giáo viên được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2022. Thầy giáo trẻ hạnh phúc nhớ lại: "Tôi rất vinh dự và đây là kỷ niệm khó quên nhất trong công tác giảng dạy của mình. Qua chương trình, tôi cảm thấy yêu nghề hơn, có niềm tin mạnh mẽ đối với công tác giáo dục mà mình theo đuổi. Từ đó đã tạo động lực cho tôi vượt qua những khó khăn, thử thách. Tôi tin rằng với sự quan tâm và tạo động lực từ những chương trình hết sức ý nghĩa như thế này, ngành giáo dục sẽ ngày càng phát triển".
Thầy Kiệt cho biết chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" đã tiếp thêm nhiệt huyết trong công việc "truyền lửa" của các giáo viên. "Để duy trì và tiếp thêm sức mạnh ngọn lửa ấy, mỗi thầy cô chúng tôi không ngừng tìm tòi, sáng tạo trong thực tiễn giảng dạy; luôn cố gắng phát huy một cách tốt nhất hiệu quả trong giáo dục, tạo ra nhiều thế hệ công dân có ích, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Tổ quốc". Theo đó, trong tiết dạy, thầy Kiệt sẽ áp dụng nhiều phương pháp khác nhau như: trò chơi, nhập vai, thảo luận nhóm, sơ đồ tư duy và dạy học theo dự án…
Cũng giống thầy Kiệt, thầy Nguyễn Như Ý, giáo viên Trường tiểu học Tân Mỹ B (xã Tân Mỹ, H.Trà Ôn, Vĩnh Long), hạnh phúc nói: "Trong chương trình tuyên dương, tôi đã được giao lưu và học hỏi với những thầy cô có hoàn cảnh khó khăn hơn mình nhưng vẫn bám lớp, bám trường, không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để giúp cho học sinh của mình được học con chữ. Đây là động lực to lớn giúp tôi vượt qua mọi khó khăn để xứng đáng với sự tuyên dương của chương trình".
Đặc thù của học sinh vùng quê nghèo là việc tiếp cận với máy tính và công nghệ thông tin rất khó khăn. Đó cũng chính là trăn trở của thầy Ý trong hành trình dạy học của mình. Từ sau khi được tuyên dương, thầy Ý có thêm động lực để tiếp tục sáng tạo trong giảng dạy, giúp học sinh vùng quê nghèo bắt kịp xu thế phát triển của thời đại.
"Dạy học là quá trình đòi hỏi người thầy phải luôn không ngừng học hỏi và sáng tạo để tìm ra những phương pháp giảng dạy mới đem lại hiệu quả cao nhất cho học sinh của mình. Sau khi được tuyên dương, tôi đã xây dựng được CLB Tin học liên thế hệ, từ đó giúp nhiều học sinh vùng quê tiếp cận nhiều hơn với tin học và công nghệ", thầy Ý chia sẻ.
Thầy Ý cho biết CLB bao gồm các em ở tất cả các khối lớp của trường và những học sinh đã từng là thành viên của CLB Tin học những năm trước. Thông qua CLB, các em sẽ được học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị khối lớp lớn hơn, giúp các em tự viết phần mềm trò chơi, luyện tập chuyên sâu hơn về tin học và công nghệ thông tin. Nhờ CLB này, nhiều em từ chỗ không biết gì về máy tính đã đoạt những giải cao ở Hội thi Tin học trẻ. Bên cạnh việc hỗ trợ nhau trong học tập, các em còn quyên góp tập sách cũ, quần áo... giúp đỡ các bạn còn khó khăn.
Có thêm những kinh nghiệm hữu ích
Thầy Thạch Ngọc Sáng, Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS - THPT H.Tiểu Cần (Trà Vinh), quan niệm nghề dạy học giống như một cuộc chạy đua đường dài, đòi hỏi người tham gia phải có niềm đam mê, lòng quyết tâm và tinh thần bền bỉ để vượt qua những thử thách. Và chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" đã tiếp thêm nguồn lực tinh thần cho thầy Sáng trên hành trình này.
"Ngày hôm nay, tôi có thể nói rằng động lực của tôi cũng như bao đồng nghiệp khác không đến từ vật chất, thứ hạng hay thành tích, mà chính là được thấy sự trưởng thành, say mê học tập và hạnh phúc của các em học sinh", thầy Sáng chia sẻ.
Cũng là thầy giáo trẻ từng được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023, thầy Nguyễn Trọng Thứ, Trường tiểu học Tân Mỹ B (xã Tân Mỹ, H.Trà Ôn, Vĩnh Long) bày tỏ: "Từ sau chương trình, tôi cảm thấy mình cần phải cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa trong công tác giảng dạy. Bởi tại chương trình có rất nhiều thầy cô đã chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn trong công tác giảng dạy, từ đó mình nhận thấy ở đâu cũng có những khó khăn riêng. Bên cạnh đó, mình càng cảm thấy có nhiều động lực hơn để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao".
Thầy Thứ cho biết trong giảng dạy luôn lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên gợi mở vấn đề, còn lại các em thảo luận để tăng khả năng tư duy. Thầy Thứ cũng giảng dạy thông qua các tiết trải nghiệm ngoài trời, các sân chơi như thi văn nghệ, biểu diễn thời trang tái chế, Ngày hội ẩm thực xuân với các em trong vai người bán hàng, Ngày hội thiếu nhi vui khỏe… và thường xuyên đưa trò chơi vào tiết dạy...