Sinh viên sáng tạo dụng cụ học tập từ 600 cây bút bi Thiên Long

Ngày : 04-12-2019

Miệt mài tập hợp 600 cây bút bi Thiên Long (mã hiệu TL-027) đã qua sử dụng từ bạn bè, nam sinh viên Trần Mạnh Hữu, lớp Cao đẳng Sư phạm Địa lý K55, trường Đại học Quảng Bình đã sáng tạo nên mô hình “Lược đồ phân vùng kinh tế Việt Nam” phục vụ học tập và giảng dạy.

Không quá cầu kỳ và phức tạp nhưng mô hình “Lược đồ phân vùng kinh tế Việt Nam” bằng bút bi Thiên Long của sinh viên Trần Mạnh Hữu vẫn gây ấn tượng mạnh tại cuộc thi “Sinh viên sáng tạo lần 3” do trường Đại học Quảng Bình tổ chức. Ban giám khảo cuộc thi đánh giá cao mô hình dự thi này ở tính sáng tạo khi tác giả đã sử dụng tất cả các bộ phận của một cây bút bi để tạo nên một mô hình thiết thực phục vụ việc học tập và giảng dạy môn địa lý. Chính vì vậy, mô hình lược đồ phân vùng kinh tế Việt Nam đã nhận giải III tại cuộc thi “Sinh viên sáng tạo lần 3” của trường Đại học Quảng Bình.

 Mô hình “Lược đồ phân vùng kinh tế Việt Nam” từ 600 cây bút bi Thiên Long do sinh viên Trần Mạnh Hữu, lớp Cao đẳng Sư phạm Địa lý K55, trường Đại học Quảng Bình

Ý tưởng làm lược đồ kinh tế Việt Nam đến vào một buổi chiều, khi sinh viên Mạnh Hữu đang ngồi trong lớp học và nhìn vào hộp bút của mình. “Hộp bút của em có rất nhiều bút bi Thiên Long hết mực. Em nghĩ nếu vứt đi những cây bút này thì sẽ rất lãng phí. Vậy nên em quyết định sẽ tạo ra một cái gì đó có ý nghĩa từ những cây bút bi đó”. Từ ý tưởng ban đầu đó, Mạnh Hữu đã tập hợp 600 cây bút bi Thiên Long và miệt mài thực hiện mô hình lược đồ kinh tế Việt Nam.

“Việc tập hợp bút bi Thiên Long mang mã hiệu TL- 027 đã qua sử dụng không quá khó khăn vì phần lớn bạn bè em đều sử dụng loại bút này. Các bạn sinh viên sử dụng bút bi Thiên Long rất nhiều, khoảng 1 tuần/cây nên khi cần cũng rất dễ để gom lại. Tất cả bút bi Thiên Long để tạo ra mô hình này đều là bút đã qua sử dụng, em không cần phải mua mới một cây bút nào” – Mạnh Hữu chia sẻ thêm.

 

Sinh viên Trần Mạnh Hữu, lớp Cao đẳng Sư phạm Địa lý K55, trường Đại học Quảng Bình

Sau khi tập hợp đủ bút bi, Mạnh Hữu “quên ăn quên ngủ” lắp ráp lược đồ kinh tế Việt Nam trong khoảng 3 tuần. Nhờ ý tưởng ban đầu có tính khả thi cao cùng với tinh thần hăng hái sáng tạo của chàng sinh viên năm cuối, quá trình thực hiện một lược đồ cao 80 cm bằng bút bi diễn ra khá suôn sẻ.

Khi thực hiện sản phẩm hữu ích này, Mạnh Hữu thấy rằng việc biến những vật dụng tưởng như hết giá trị sử dụng thành một sản phẩm có ý nghĩa là một quá trình đầy thú vị và bổ ích. Vì vậy, chỉ cần một chút quan sát và tư duy, các sinh viên hoàn toàn có thể tạo nên những sản phẩm mới có ý nghĩa phục vụ học tập.

Trong thời gian tới, Mạnh Hữu dự định sẽ tiếp tục tạo ra một quả địa cầu bằng sản phẩm Thiên Long. Mạnh Hữu cho biết để làm quả địa cầu chắc chắn sẽ cần nhiều sản phẩm Thiên Long hơn nhưng việc tìm kiếm các sản phẩm này không là một trở ngại lớn vì sản phẩm Thiên Long đã quá quen thuộc với bạn bè và người thân của nam sinh viên này. 

Sinh viên Trần Mạnh Hữu đã gửi tặng lại tác phẩm này cho Tập đoàn Thiên Long. Đại diện Tập đoàn Thiên Long cho biết rất ấn tượng với mô hình của sinh viên Trần Mạnh Hữu bằng sản phẩm bút bi mang mã hiệu TL-027 của Thiên Long. Từ lâu, Thiên Long luôn đề cao tinh thần sáng tạo của các bạn trẻ và hi vọng rằng sinh viên Việt Nam sẽ tiếp tục tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích khác góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

 

Thông tin về cuộc thi “Sinh viên sáng tạo lần 3” của trường Đại học Quảng Bình:

Cuộc thi “Sinh viên sáng tạo lần 3” do Hội Sinh viên trường Đại học Quảng Bình tổ chức. Cuộc thi nhằm mục đích mở rộng phong trào, động viên, khích lệ sinh viên tham gia tích cực hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học. Đối tượng tham gia cuộc thi là sinh viên trường Đại học Quảng Bình, đặc biệt, khuyến khích sinh viên năm thứ nhất.

Tiêu chí của cuộc thi là đề cao tính sáng tạo và có khả năng ứng dụng cao, tập trung nội dung hướng vào việc đổi mới phương pháp học tập, thực hành, thí nghiệm góp phần nâng cao chất lượng học tập, xây dựng đời sống cộng đồng, môi trường đô thị.