ĐHĐCĐ Tập đoàn Thiên Long: Cạnh tranh toàn cầu dựa vào đâu?
Sáng ngày 21/05, ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của CTCP Tập đoàn Thiên Long (HOSE: TLG) đã thông qua kế hoạch doanh thu 2,150 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 215 tỷ đồng, cùng tăng trưởng 14% so với thực hiện năm 2015. Đồng thời mức cổ tức là 20%, không đổi so với năm 2015.
Mục tiêu đặt ra dựa trên “thành quả của những năm cũ”.
Năm 2016, Tập đoàn Thiên Long đặt mục tiêu doanh thu 2,150 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế dự kiến ở mức 10% doanh thu, đạt 215 tỷ đồng.
Đại hội đồng Cổ đông Thiên Long năm 2016
Kết thúc quý 1/2016, doanh thu thuần đạt gần 429 tỷ đồng, tăng trưởng 18% và lợi nhuận sau thuế trên 48 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đã hoàn thành tương ứng 20% và 22% kế hoạch cả năm.
Kế hoạch kinh doanh và kết quả thực hiện giai đoạn 2012 - 2015 (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Kết quả hoạt động và tình hình tài chính so với năm trước (Đvt: %)
Nguồn: VietstockFinance
Có thể thấy, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế trong giai đoạn 2012 – 2015 đều vượt kế hoạch. Ban lãnh đạo TLG cho biết các chỉ tiêu kết quả kinh doanh của Tập đoàn tăng trưởng ổn định và kế hoạch đặt ra trong năm nay là khả thi. Mặt khác, Ban lãnh đạo TLG cũng đề cập đến biến động của giá dầu ảnh hưởng đến chi phí đầu vào và rủi ro tỷ giá.
Cạnh tranh toàn cầu phải dựa trên nguồn lực toàn cầu
Kể từ năm 2000, TLG bắt đầu xuất khẩu sản phẩm bút bi sang châu Âu, chiến lược phát triển của tập đoàn đã không còn giới hạn với thị trường nội địa mà mở rộng sang thị trường Đông Nam Á, châu Âu hay châu Mỹ. TLG xác định đây là thị trường toàn cầu và cạnh tranh toàn cầu phải dựa trên những nguồn lực toàn cầu. Việc mở rộng hệ thống phân phối toàn cầu thông qua việc phát triển điểm bán, đến nay sản phẩm của TLG đã xuất khẩu tại 45 quốc gia. Doanh thu xuất khẩu ghi nhận sự tăng trưởng qua các năm, năm 2015 đạt 251 tỷ đồng, tăng 38.5% so với năm 2014, đóng góp 13.3% tổng doanh thu, trong đó nguồn thu lớn nhất đến từ thị trường Mỹ, Nhật Bản, Myanmar, Philippines...
Trong khi đó, thị trường nội địa, TLG có hơn 57,600 điểm bán lẻ xuyên suốt 63 tỉnh thành.
Nguồn: Báo cáo thường niên 2015 của TLG
|
Chia sẻ về chiến lược mở rộng phân phối và phát triển sản phẩm, Tổng Giám đốc Võ Văn Thành Nghĩa cho biết kế hoạch phát triển 5 năm của Tập đoàn sẽ lập ra những trung tâm bán hàng chuyên về văn phòng phẩm tại 3 miền Bắc, Trung, Nam nhằm chuyên môn hóa hoạt động bán lẻ. Đối với thị trường quốc tế, TLG định hướng thành lập những công ty 100% vốn tại nước ngoài kết hợp với liên doanh liên kết nhằm chủ động tất cả các khâu từ kho bãi, giao nhận và bán hàng. Bên cạnh đó, Công ty cũng xem xét chiến lược đầu tư bán lẻ, bán hàng qua mạng nhằm nắm bắt thị hiếu và nhu cầu phát triển của thị trường.
Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Nguồn ngân sách dự chi cho R&D sẽ gia tăng trong giai đoạn sắp tới. Năm 2016, kế hoạch dự chi cho hoạt động này khoảng 10 tỷ đồng, giai đoạn kế tiếp khoảng từ 1 - 3% ngân sách hoạt động hàng năm.
Thứ ba, TLG tiếp tục nâng mức đầu tư vào tự động hóa sản xuất thông qua tập trung nguồn chi cho máy móc thiết bị, khuôn mẫu, dây chuyền; chuẩn hóa các cơ cấu máy, cụm máy, thiết kế máy đi cùng với đầu tư phát triển nguồn nguyên vật liệu. TLG đã nghiên cứu và sản xuất một số loại mực nhằm chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào.
Thứ tư, TLG sẽ tận dụng lợi thế về thuế từ các hiệp định FTA và đặc điểm thị trường nhiều nước châu Âu, châu Mỹ không có nhiều nhà sản xuất văn phòng phẩm.
Xét về kế hoạch đầu tư – xây dựng, sau khi thành lập Công ty TNHH Một thành viên TM DV Tân Lực Miền Trung vào cuối năm 2015, Tập đoàn chưa có kế hoạch xây dựng hay mở rộng nhà máy mới trong năm 2016. Hiện các nhà máy của TLG mới chỉ hoạt động khoảng 70-80% công suất, cao điểm lên 90% và vẫn đáp ứng đủ nguồn cung cho nhu cầu của thị trường./.
Theo Vietstock